Bạn có thể sống mà không cần ai bên cạnh không?
Hoặc ngược lại, bạn có bao giờ khó chịu khi có ai đó luôn cố gắng tiếp cận gần hoặc thân thiết quá mức với bạn không?
Nếu có, đừng ngại chia sẻ điều này. Chúng ta đều có những giới hạn riêng trong việc gần gũi người khác. Không thể phủ nhận rằng con người là giống loài quen với lối sống tập thể, bầy đàn. Tuy nhiên, chúng ta đã đủ tiến hoá đến mức có những phân định, ý chí và sự độc lập riêng rẽ của mình. Dù là những mối quan hệ thân quen hay giao tiếp xã hội thông thường, con người vẫn cần, nên và sẽ giữ khoảng cách ở mức thích hợp với nhau. Bài viết dưới đây sẽ cùng bạn phân tích về khoảng cách giữa con người với nhau và liệu thế nào được xem là khoảng cách thích hợp.
https://www.yan.vn
Khoảng cách giữa con người là gì?
Khoảng cách được hiểu là cách trở, không giao nhau về mặt địa lý. Thông thường, khoảng cách được biết đến là đại lượng để đo chiều dài, chiều cao của một đoạn đường. Theo nghĩa bóng, khoảng cách là ẩn ý cho sự xa mặt cách lòng, quay lưng về mặt tình cảm.
Dựa theo hai cách hiểu này, có thể định nghĩa khoảng cách giữa con người như sau: Khoảng cách giữa con người có thể là khoảng cách địa lý về nơi sinh sống, học tập và làm việc. Ngoài ra, khoảng cách giữa con người với nhau có thể là sự chênh lệch liên quan đến tính cách, điều kiện và tình cảm. Dù là khoảng cách được hiểu theo nghĩa nào, con người cũng cần có những ứng xử thông minh, khéo léo và linh hoạt nhất.
https://phunutoday.vn
Có những khoảng cách nào giữa con người với nhau
Khoảng cách địa lý
Khoảng cách địa lý là thứ khoảng cách dễ nhận thấy và đo đếm nhất. Nếu bạn là sinh viên xa nhà đi học đại học, khoảng cách của bạn được đo từ quê nhà đến thành phố nơi bạn chọn học. Nếu bạn là một người con xa xứ để làm ăn, khoảng cách của bạn có thể lên đến nửa vòng trái đất.
https://vietnamlike.net
Nói một cách chính xác hơn, khoảng cách địa lý là khoảng cách của những giấc mơ: giấc mơ đổi đời, giấc mơ phát triển. Ta thường chọn cách rời bỏ những thứ thân quen để tìm đến những vùng đất hứa với hy vọng cuộc sống sau này sẽ tốt hơn.
Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp khoảng cách địa lý là những cuộc chia ly bất đắc dĩ. Nếu bạn theo dõi chiến sự giữa Nga - Ukraine gần đây, bạn sẽ thấy có rất nhiều người dân vô tội bắt buộc phải xa gia đình và nơi ở quen thuộc để đi trốn chạy, tị nạn. Chiến tranh, thiên tại,... có thể là nguyên nhân dẫn đến những sự chia xa bất đắc dĩ.
Khoảng cách về điều kiện mỗi người
Tuy rằng trong các bản Tuyên ngôn để đời, các triết gia vĩ đại luôn nhấn mạnh rằng chúng ta sinh ra bình đẳng và công bằng với nhau về mọi mặt. Nhưng có một sự thật mà chúng ta bắt buộc phải thừa nhận với nhau rằng: bất công và chênh lệch là điều luôn tồn tại. Một đứa trẻ sinh ra trong môi trường giáo dục tốt, được chăm lo mọi mặt từ vật chất tới tinh thần sẽ khác một đứa trẻ thiệt thòi khi sinh ra ở nơi đói ăn thiếu mặc, cha mẹ không được học hành.
Sự khác biệt về hoàn cảnh sống, trí thông minh, nghị lực, tính cách, cách đối nhân xử thế có thể tạo nên khoảng cách rất lớn giữa người với người. Dần dần, theo thời gian, hố sâu ngăn cách này lại càng được mở rộng.
Khoảng cách về tình cảm
Trong tất cả các loại khoảng cách giữa người với người, khoảng cách về tình cảm là loại khoảng cách khó phân định nhưng cũng khó hàn gắn nhất. Khoảng cách về tình cảm được hiểu là sự xa cách trong cảm xúc, sự mờ nhạt về cảm giác tin tưởng và chân thành mà con người dành cho nhau.
https://toplist.vn
Khoảng cách - tốt hay xấu?
Người với người có nên có khoảng cách không? Câu trả lời là có và không? Khoảng cách sẽ tốt và xấu tùy theo tình huống, đối tượng,... mà bạn tiếp cận.
Khoảng cách - sự phòng chắn và bảo vệ an toàn cho mỗi người
Trước khi nói về khoảng cách, tôi muốn kể bạn nghe một câu chuyện sau:
Có một nhà sinh vật học đã làm thí nghiệm với hơn chục con nhím. Mùa đông lạnh giá, nhím sẽ tụm lại để có thể sưởi ấm. Tuy nhiên, nhím có rất nhiều gai trên thân. Gai nhím gặp phản ứng sẽ phóng ra đối phương để tự vệ. Do đó, mỗi lần tụm lại bầy nhím này lại tự phóng gai và trốn chạy nhau.
Một lúc sau, không thể chịu đựng được giá rét nữa nên bầy nhím lại lặp lại thao tác tụm lại. Sau nhiều lần cứ tụm lại và chạy trốn nhau, bầy nhím đã tìm ra được giải pháp. Chúng tìm được khoảng cách thích hợp (không quá gần nhưng cũng không quá xa) để có thể vừa giữ ấm nhưng không làm đau chính mình và bạn đồng hành.
Thực tế cuộc sống cũng vận hành theo quy luật như trên. Chỉ cần giữ khoảng cách phù hợp, mọi người đều có thể chung sống thuận hòa và cùng nhau phát triển. Càng gần gũi, ta có thể vô tình làm tổn thương nhau. Quá xa cách, ta sẽ vô cùng cô đơn và lạnh giá.
Khoảng cách - thứ ngăn cản sự trao gửi yêu thương
Bạn nên phân biệt từ “khoảng cách” và “xa cách”. Khoảng cách chỉ đơn thuần là sự chừng mực giữa người với người. Bạn hiểu đâu là giới hạn có thể tiếp cận và can thiệp vào cuộc đời người đó. Đừng nhân danh tình yêu hay bất cứ thứ gì để phán xét hay sống hộ bất kỳ ai. Tuy nhiên cũng đừng thờ ơ và lạnh nhạt để đẩy những người yêu thương xa mình.
Điều gì tạo nên khoảng cách giữa con người
Yếu tố khách quan (bẩm sinh, môi trường sống, điều kiện giáo dục,...)
Chúng ta không thể tạo ra hay kiểm soát những yếu tố này. Ví dụ, điều gì tạo nên khoảng cách giữa một đứa trẻ con nhà nghèo và con nhà giàu? Sinh ra trong một gia đình giàu có, những đứa trẻ này đã được cung cấp đầy đủ về mặt dinh dưỡng, giáo dục, thỏa sức khám phá và phát triển bản thân mà không phải chịu nhiều áp lực mưu sinh. Điều này không có nghĩa là đứa trẻ con nhà nghèo không thể phát triển. Tuy nhiên, chênh lệch từ yếu tố nội tại giữa hai đứa trẻ là điều không thể phủ nhận. Theo năm tháng, chênh lệch sẽ càng lớn theo cấp số nhân.
Yếu tố chủ quan (tính cách, cách đối nhân xử thế,....)
Có đôi khi, chỉ một câu nói vu vơ hoặc một hành động vô ý làm tổn thương cũng có thể kéo dài khoảng cách giữa người với người. Thông thường, các mối quan hệ dù thân hay sơ đều được xây dựng dựa trên các tiêu chí như: bình đẳng - yêu thương - tôn trọng. Sự thiếu hụt những tiêu chí này có thể là nguyên nhân gây ra khoảng cách.
Làm thế nào để xoá nhoà khoảng cách giữa con người với nhau?
Chúng ta nên chấp nhận sự tồn tại của khoảng cách trong cuộc đời. Như thí nghiệm về đàn nhím nói trên, khoảng cách là điều tất yếu và nếu sử dụng đúng cách, nó sẽ giúp cân bằng, hài hòa mọi mối quan hệ trong cuộc sống. Khoảng cách còn là động lực để ta nỗ lực, cố gắng hon mỗi ngày. Vậy nên, theo tôi, đừng xóa nhòa khoảng cách, hãy xóa nhòa những định kiến về khoảng cách. Và nếu muốn xích lại gần nhau hơn, cảm thông và chia sẻ là các từ khóa dành cho bạn.
https://reviewaz.vn
Lời kết
Khoảng cách giữa con người có thể xấu hoặc tốt tùy theo cách bạn lựa chọn cư xử. Hy vọng bài viết trên đã phần nào gỡ rối cho bạn trong câu chuyện thế nào là một khoảng cách thích hợp giữa người với người.
0 Nhận xét