Nếp nhậu văn minh của người Việt Nam
Mùa hè, giữa cái nóng oi bức, dễ thấy trên các tuyến phố, những quán bia, quán nhậu lúc nào cũng tấp nập. Nếp nhậu như trở thành một thói quen của phần đa người Việt, không kể thành thị hay nông thôn. Đã bao giờ bạn thắc mắc người Việt nhậu có văn minh?
https://tuoitre.vn/
Nhậu là gì?
Theo Wikipedia, “Nhậu hay còn gọi là nhậu nhẹt, đánh chén, uống rượu, là hoạt động ăn uống và giao tiếp của xã hội có liên quan đến rượu, bia hoặc thức uống có cồn khác”. Nói một cách dễ hiểu, nhậu chính là hoạt động ăn uống mang tính chất tổ chức, thức uống chính là bia hoặc rượu. Đối với dân nhậu thì phải có lý do tổ chức nhất định, nếu không có thì phải tìm cho ra được một lý do liên quan. Vui cũng nhậu, buồn cũng nhậu, thất tình - nhậu, thi đỗ - nhậu,...
https://vietcetera.com/
Thói quen ăn nhậu của người Việt
Việt Nam liên tục lọt top và trở thành cường quốc uống bia trên thế giới. Không chỉ bia, tỷ lệ tiêu thụ rượu cũng không hề thua kém. Rượu bia được xếp vào các tệ nạn, song, nếu trong chừng mực, thì đây quả là “công cụ đắc lực của người dùng”. Người ta thường nói “rượu vào lời ra”, mượn rượu để nói chuyện dễ dàng hơn; không có bia rượu, những cuộc tụ họp thực đã mất đi năm phần vui. Đặc biệt trong công việc, rất nhiều cơ hội đã được “kiến tạo trên bàn nhậu”. Bởi vậy mà, nhậu đã trở thành một thói quen, một nếp sống hết sức bình thường của người Việt.
https://vietucnews.net/
Uống rượu được xem là truyền thống văn hóa của người Việt
Nếp nhậu đã có từ xưa, theo tiến trình của thời gian và ngày càng thấm nhuần trong nếp sống của người dân Việt. Tìm về các thư tịch cổ, người ta đã thấy có nhiều tài liệu nói về rượu. Trong “Lĩnh Nam chích quái”, từ xa xưa, dân ta đã biết “lấy vỏ cây làm áo, lấy cốt gạo lào rượu, lấy cá, tôm làm mắm…”
Nhiều sách viết rằng rượu đã có từ thời Hùng Vương. Hầu hết các tài liệu đều thống nhất mục đích sử dụng chính của thời này là vào việc tế lễ. Như vậy, cha ông ta từ xưa đã biết chế tác rượu từ gạo, chủ yếu dùng trong việc tế lễ trời đất, cúng bái tổ tiên. Phong tục này vẫn được lưu truyền cho đến thời nay. Trong các nghi lễ quan trọng, rượu là thứ không thể thiếu.
http://fansi.vn/
Vậy người xưa có dùng rượu để “ăn nhậu” như thời nay không? Ngoài việc tế lễ, rượu cũng không thể thiếu trong các đám cưới hỏi, lễ tết và trở thành người tri âm tri kỷ với tao nhân mặc khách. Người quân tử mời nhau chén rượu trên bàn tiệc đầy, kẻ sĩ ẩn dật lấy rượu bầu bạn tháng ngày:
“Rượu đến cội cây ta sẽ uống
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.”
(Nguyễn Bỉnh Khiêm )
Như thế nào là nếp nhậu văn minh?
Qua những phân tích ở trên có thể thấy, rượu là hình tượng văn hóa tích cực. Song không thể phớt lờ mặt tối của bia rượu và thói quen ăn nhậu. Về bản chất, rượu bia được xếp vào các chất kích thích, nếu lạm dụng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Không chỉ vậy, các cuộc say khiến con người mất bình tĩnh, ý thức đảo điên, gây nên những hậu quả khôn lường.
https://haycafe.vn/
Những cuộc rượu có thể khiến tình cảm thêm gắn kết hay là mang lại nhiều cơ hội,... Nhưng cũng có những cuộc rượu khiến huynh đệ tương tàn, chôn vùi những mục tiêu, dự định… Bởi vậy mà con người ta cần những cuộc rượu văn minh.
Nếp nhậu văn minh là uống có chừng mực, người uống vẫn làm chủ được ý thức bản thân thay vì để con sâu rượu chi phối. Nhậu văn mình là khi người ta nhậu có mục đích cụ thể chứ không phải vì nghiện bia thèm rượu, càng không phải vì chủ đích “mượn rượu để làm càn”.
Người Việt có nhậu văn minh không?
Chúng ta vẫn thấy đâu đó những cuộc cãi vã trên bàn nhậu, hay những vụ án thương tâm mà bia rượu chính là chất xúc tác mạnh mẽ nhất. Có thể nói, người Việt ăn nhậu chưa thực văn minh. Không chỉ ở Việt Nam mà ở các quốc gia khác, rượu bia cũng trở thành vấn nạn lớn đối với an ninh - trật tự xã hội.
Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào những điều tiêu cực, chúng ta đã phớt lờ đi phần lớn những người “uống rượu chân chính”, góp phần làm nên văn hóa nhậu văn minh của người Việt.
https://dkn.news
Sau khi tan làm, các anh rủ nhau ra vỉa hè làm cốc bia hơi cho mát mẻ, xua tan đi cái mệt nhọc của một ngày dài làm việc, trước khi trở về nhà phụ cơm cùng vợ con. Trong lễ thành hôn, cô dâu chú rể trao nhau chén rượu đầu môi, thay lời thề trăm năm kết tóc; quan viên hai họ, bạn bè thân hữu cùng chúc nhau chén rượu hồng, chúc mừng hạnh phúc cho đôi bạn trẻ… Đó vẫn là những hình ảnh đẹp làm nên nếp nhậu vô cùng văn minh.
https://ruoungo.vn/
Bia rượu không có lỗi, những cuộc nhậu không hề trái ngang, điểm mấu chốt nằm ở bản thân con người. Hãy giữ cho mình một thái độ tốt, tham gia cuộc nhậu một cách lành mạnh để mỗi lần nhậu đều văn minh!
0 Nhận xét