Thời tiết là một phần trong cuộc sống con người. Từ xưa đến nay, thời tiết có sức ảnh hưởng đáng kể đến sinh kế (đặc biệt với những người làm nghề nông), sức khỏe và các yếu tố khác trong cuộc đời mỗi người. Khi lên kế hoạch làm một việc gì đó, chúng ta thường dành sự quan tâm đáng kể cho thời tiết. Theo quan sát và đánh giá, thời tiết thường có sự lặp lại trong một mức thời gian nào đó, chúng ta gọi đây là “mùa”. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng tìm hiểu về mùa mưa ở Việt Nam và cách người Việt ở mỗi vùng miền thích ứng với mùa mưa nhé.
https://www.vietnamplus.vn
Mùa mưa ở Việt Nam là gì
Mùa mưa không phải thuật ngữ khó hiểu. Chúng ta sử dụng thuật ngữ này rất nhiều trong đời sống. Mùa mưa được hiểu là một khoảng thời gian liên tục mà lượng mưa trung bình tại khu vực hoặc vùng miền nào đó tăng lên nhiều so với các thời điểm khác trong năm.
Thuật ngữ “mùa mưa” thường xuất hiện ở các khu vực nhiệt đới bởi đây là khu vực dễ bị chi phối bởi các luồng di chuyển của vành đai mưa nhiệt đới theo thời gian trong năm.
https://dubaothoitiet.info
Mùa mưa ở miền Bắc Việt Nam
Việt Nam được chia thành 3 miền Bắc, Trung, Nam. Ba miền này không chỉ khác nhau về ranh giới địa lý mà còn khác nhau rất rõ về thời tiết, văn hóa, … Nếu xác định mùa mưa dựa vào mùa trong năm, miền Bắc nước ta sở hữu khí hậu ôn hòa, mát mẻ với 4 mùa rõ rệt nhưng khó có thể chỉ rõ mùa nào là mùa mưa. Mùa xuân ở miền Bắc thường se lạnh và mưa phùn lất phất. Mùa hè nóng nực và có mưa rào, mưa giông xối xả. Những cơn mưa này xuất hiện bất chợt và kéo đi khá nhanh. Mùa thu được cho là mùa đẹp nhất ở miền Bắc với sự mát mẻ và dễ chịu. Miền Bắc sở hữu đặc sản mà miền Nam thường không được hưởng là mùa đông. Những đợt gió mùa Đông Bắc đổ về gây ra cái lạnh tê tái, có thể xuất hiện băng tuyết ở khu vực miền núi. Thời điểm giao mùa từ Đông sang Xuân có thể xuất hiện mưa phùn.
Nếu xác định mùa mưa miền Bắc Việt Nam dựa vào khu vực, bạn có thể thấy thời lượng mưa ở Đông Bắc Bộ thường khéo dài hơn Tây Bắc và Đông Bắc. Từ tháng 4, tháng 5 đến tháng 7, tháng 8 hoặc dài hơn là tháng 9, tháng 10, Tây Bắc và Đông Bắc bước vào mùa mưa. Thời điểm bắt đầu mùa mưa ở Đông Bắc Bộ tương tự như Tây Bắc và Đông Bắc nhưng mùa mưa ở đây có thể đến tháng 10 hoặc tháng 11.
http://www.baodongnai.com.vn
Mùa mưa ở miền Trung Việt Nam
Miền Trung là khu vực sở hữu khí hậu khắc nghiệt nhất trong toàn nước. Thông thường, mùa mưa ở miền Trung bắt đầu từ tháng 9 và kết thúc tháng 2. Mưa ở miền Trung không nhẹ nhàng, lất phất. Nếu đã từng đặt chân đến mảnh đất miền Trung, bạn sẽ thấy mưa ở đây tuôn ra ào ạt, xối xả và thường gắn với các cơn bão đổ từ biển về.
Mưa miền Trung có thể lên đến 3.000 mm tùy theo thời điểm. Từ tháng 9 đến tháng 10, mưa thường xuất hiện vào chiều tối, làm dịu đi cái nóng nực còn sót lại của mùa hè. Tháng 11 mưa thường gắn với cái rét buốt giá và mưa lũ. Nếu có kế hoạch du lịch ở miền Trung thời điểm này, bạn cần cân nhắc thời điểm và phương án nếu kế hoạch bị hoãn vì mưa.
Hiện nay, do tình hình biến đổi khí hậu, ranh giới thời gian và mực nước trong mùa mưa không còn quá rõ ràng. Tình hình di chuyển của các cơn bão và áp thấp nhiệt đới hình thành từ biển có thể không xuất hiện giống trật tự của những năm trước. Điều này khiến tính chính xác của dự báo thời tiết có thể bị ảnh hưởng. Hơn nữa, sinh kế của người dân khu vực duyên hải Nam Trung Bộ phụ thuộc nhiều vào nghề đánh cá. Mùa mưa bị biến đổi kéo theo hàng loạt hệ lụy về kinh tế của họ - những con người miền Trung luôn gắn với sự lam lũ, vất vả.
https://zingnews.vn
Mùa mưa ở miền Nam Việt Nam
Có thể nói mùa mưa là thuật ngữ gắn liền với người dân miền Nam. Sẽ rất khó nếu bạn muốn tận hưởng cái rét se lạnh của mùa Xuân hay ngắm tuyết ở miền Nam. Người dân ở đây chỉ sống trong 2 mùa là mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa ở đây sẽ bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10. Nguyên nhân là bởi gió thổi từ Ấn Độ Dương và vịnh Bengal mang theo nhiều hơi nước đổ vào miền Nam nên rất dễ gây mưa.
Về đặc điểm, mưa miền Nam đến nhanh và đi cũng rất nhanh. Mưa đến ào ào nhưng sẽ tạnh sớm chứ không mưa dầm dề như ở miền Trung. Thời tiết ở miền Nam có thể “đỏng đảnh” như những cô gái mới lớn. Bạn chỉ vừa mới tận hưởng cái nắng dịu nhẹ buổi sớm, êm ái vào chiều và ngập lập tức một cơn mưa rào kéo đến. Đừng bực mình nếu bạn là du khách mới đến. Bao nhiêu năm nay người miền Nam vẫn sống với sự “đỏng đảnh” này với tất cả sự hào sảng và vui vẻ.
Vấn đề lớn nhất trong mùa mưa của người dân miền Nam và đặc biệt là ở thành phố Hồ Chí Minh là ngập lụt. Hệ thống thoát nước chưa hoàn thiện cùng với lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn sẽ gây ra tình trạng nước ứ đọng và khó thoát ở các trục đường chính. Để đảm bảo an toàn cho mình và xe cộ, bạn cần tìm hiểu trước để không đi vào các trục đường này.
Hơn nữa, tình trạng biến đổi khí hậu và nóng lên trên toàn cầu chính là nguyên nhân gây ra các cơn bão nhiệt đới lớn. Theo các nhà khoa học, lũ lụt sinh ra do hai yếu tố sau: thứ nhất là mưa lớn trong thời gian ngắn (thường thấy ở các tỉnh phía Nam) và mưa tầm tã trong thời gian dài (thường thấy ở các tỉnh miền Trung). Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trong năm 2020, lượng mưa trong 3 ngày mưa nhiều nhất tăng 5% và trong 3 tiếng mưa nhiều nhất tăng 10% so với trước đây. Mức nhiệt toàn cầu tăng 1.1 C so với thời tiền công nghiệp, phát thải nhà kính, tình trạng đốt rừng và ý thức xuống cấp về môi trường thực sự là vấn đề đáng cảnh báo. Nếu không muốn tương lai ngập trong mưa lũ và cuộc sống ngày càng bị ảnh hưởng nặng nề do tình trạng lũ lụt mất kiểm soát, hãy có ý thức và trách nhiệm với môi trường từ ngay bây giờ.
https://vtv.vn
Giải pháp cho mùa mưa ở Việt Nam
Mỗi mùa đều có ưu và nhược điểm riêng. Hơn nữa, tình hình ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu dẫn đến hiệu ứng nhà kính như hiện nay có thể ảnh hưởng khá lớn đến diễn biến của mùa mưa. Bạn nên tính toán về vấn đề di chuyển, lịch trình làm việc và vui chơi để không lỡ kế hoạch của mình nếu đi đến khu vực đang vào mùa mưa nhé.
https://baotainguyenmoitruong.vn
Lời kết
Mỗi khu vực đều sẽ có đặc điểm riêng về mùa mưa phụ thuộc vào vị trí, địa hình,... Tuy nhiên, hầu hết mùa mưa ở Việt Nam đều diễn ra trong vài tháng với mực nước tăng nhanh chóng, có thể dẫn đến các hiện tượng như lũ lụt, sạt lở. Để giữ nhịp sống vào mùa mưa, bạn cần theo dõi tình hình thời tiết và lên kế hoạch cụ thể. Ngoài ra, tình trạng thay đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu cũng là một trong các yếu tố khiến mùa mưa bị biến đổi và ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống người dân. Đây là lời nhắc nhở về trách nhiệm bảo vệ môi trường trong mỗi chúng ta.
0 Nhận xét