Subscribe Us

Như thế nào là người thợ yêu nghề?

Bạn đã từng bao giờ tự hỏi tại sao bạn đang làm công việc này? Tại sao xã hội có rất nhiều nghề nghiệp nhưng bạn lại chọn và chỉ gắn bó với một nghề? Tại sao bạn phải dành ⅓ cuộc đời (tương đương với 8 tiếng/ngày hoặc hơn), công sức, của cải, thanh xuân và nhiệt huyết để theo đuổi một lĩnh vực? Nghề nghiệp, bản chất nó không chỉ là công cụ để tạo dựng của cải mà còn mang đến cho những người thợ nhiều hơn thế nữa. Để làm thợ không khó, nhưng để làm một người thợ lành nghề và tâm huyết phát triển trong lĩnh vực lại không hề dễ. Những câu hỏi trên vừa nêu tựu chung lại đều dẫn đến câu hỏi lớn nhất Tại sao bạn phải trở thành một người thợ yêu nghề, cống hiến cho nó và như thế nào được xem là một người thợ yêu nghề? 


Như thế nào là người thợ yêu nghề?

https://nhandan.vn

Định nghĩa về một người thợ yêu nghề

Trước khi nói về việc một người thợ có yêu nghề hay không, hãy nói về bản thân người thợ đó. Thế nào được xem là thợ? Không có cách định nghĩa duy nhất và tuyệt đối cho danh từ này. Thợ thường được so sánh với “thầy”. “Thầy” được hiểu là những người có chuyên môn cao, được đào tạo bài bản và dày công nghiên cứu trong một lĩnh vực. Trước đây, chữ “thầy” thường gắn với ba lĩnh vực: y dược (thầy thuốc); luật pháp (thầy cãi) và giáo dục, nghiên cứu (thầy giáo). Hiện nay, quan điểm này mở rộng hơn. Chỉ cần bạn thành công trong lĩnh vực nào đó, đặc biệt là tạo được ảnh hưởng và có những phát minh, nghiên cứu, sáng chế mới đều được xem là thầy. 

Trái ngược lại, thợ thường chỉ những người sử dụng sức lực từ tay chân là chính để thực hiện liên tục và lặp lại một công việc theo hướng dẫn của người “thầy”. Người thợ thường không chịu trách nhiệm nghiên cứu, phát triển sản phẩm mà chỉ đóng góp công sức trong khâu vận hành và sản xuất. Ví dụ như thợ xây, thợ mộc, thợ máy,.... Do đó, nghề làm “thợ” bị gắn mác là không cao quý, kém thông minh hay thu nhập thấp. 

Dù là thầy hay là thợ, bạn cũng đều đang theo đuổi một ngành nghề ở vị trí khác nhau. Vậy nên yêu nghề cũng được xem là tiêu chí nên có ở một người thợ. “Yêu nghề” được hiểu là tinh thần cam kết gắn bó và phát triển lâu dài, sẵn sàng dành toàn bộ nhiệt huyết, năng lực và thời gian để rèn luyện với nghề. Một người thợ yêu nghề sẽ luôn trân trọng với nghề nghiệp của mình và mong muốn đóng góp nhiều giá trị cho nghề đó. 


Định nghĩa về một người thợ yêu nghề

http://truongdaynghethanhxuan.edu.vn

Bắt đầu sự nghiệp với tư cách một người thợ

Do đặc thù, người thợ thường sẽ phải làm việc khá nặng nhọc, liên tục và tiếp xúc với môi trường độc hại. Tuy nhiên, thu nhập của họ lại chỉ ở mức khiêm tốn, thậm chí thấp hơn rất nhiều so với những người làm “thầy”. Vậy tại sao xã hội vẫn cần những người thợ và tại sao bạn chọn trở thành thợ? 

Trước hết, hãy nói về lý do bạn trở thành người thợ trong ngành nghề đó. Thông thường, có 2 cách kinh điển nhất trong xã hội Việt Nam cũng như những xã hội khác để bắt đầu sự nghiệp của mình đó là học để làm và làm để làm. Nếu bạn vẫn chưa hiểu rõ hai cách thức sau thì hãy tiếp tục theo dõi phân tích dưới đây. 

Năm 18 tuổi, sau khi hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, nếu đúng như những gì gia đình, xã hội kỳ vọng thì bạn sẽ tiếp tục tham gia chương trình giáo dục chuyên sâu về nghề nghiệp tại các trường đại học, học viện, cao đẳng. Hầu như tất cả ngành nghề đều có cơ sở đào tạo riêng như y học, kỹ thuật, công nghệ, giáo dục, kinh tế, luật pháp, nghệ thuật, truyền thông,... Sau khi tốt nghiệp, bạn sẽ gia nhập thị trường lao động với tấm bằng cử nhân, tiếp tục phát triển sự nghiệp với các cấp bậc cao hơn như quản lý, giám đốc,... 

Một cách thứ hai là bạn sẽ tham gia các trường học nghề và học cách vận hành một ngành kỹ thuật nào đó ở mức cơ bản. Yêu cầu đầu vào của những trường này thường thấp hơn đồng thời thời gian học ngắn hơn (1-2 năm, thậm chí 6 tháng tùy theo chương trình đào tạo). Có phải bạn đang tự hỏi vậy đều là học thì có gì khác nhau? Trường đại học, học viện, cao đẳng sẽ dạy thiên về lý thuyết và đi sâu vào nghiên cứu. Ngược lại, trường dạy nghề chỉ cung cấp cho một góc nhìn trực quan nhất về cách máy móc vận hành và bạn cần thực hành bằng cách bắt tay vào làm việc, biến những kiến thức thành kết quả ngay trên ghế nhà trường. Trường dạy nghề không kỳ vọng bạn trở thành một nhà nghiên cứu hay cho ra đời những sáng chế. Điều bạn cần là học cách vận hành hệ thống và hoàn thành công việc của mình. Sự phân công nghề nghiệp trong xã hội là yêu cầu tất yếu của việc chuyên môn hóa. Đây chính là sự khác nhau giữa học để làm và làm để làm. 

Bạn có từng nghe câu “thừa thầy thiếu thợ” chưa? Bạn không nghe lầm đâu, xã hội ngày nay đang rất thiếu những người thợ lành nghề. Bởi tâm lý trọng vọng bằng cấp và xã hội hóa giáo dục (mở rộng quá mức các trường đại học, hạ tiêu chuẩn của bậc đại học) mà nhiều người lao đầu vào các trường đại học để rồi nhận ra họ chẳng phù hợp để theo đuổi con đường hàn lâm. Nhưng họ không dám bắt đầu sự nghiệp với tư cách một người thợ. Trong khi đó, công nghệ ngày càng phát triển, kinh tế ngoại thương có nhiều cơ hội để mở cửa dẫn đến nhu cầu thợ để vận hành máy móc (như thợ sửa chữa ô tô, thợ máy tính,....) càng nhiều. Nhìn một cách vĩ mô hơn, nếu ai cũng thích làm nghiên cứu và quản lý, vậy ai sẽ là người bắt đầu chu trình vận hành, sửa chữa, tạo mới máy móc. 


Bắt đầu sự nghiệp với tư cách một người thợ

http://www.vinacomin.vn

Vì sao bạn cần và nên trở thành một người thợ yêu nghề

Tình yêu là động lực để phát triển nghề nghiệp

Chúng ta làm việc là để tự nuôi sống bản thân, gia đình và hỗ trợ những người xung quanh mình. Tình yêu nghề giúp bạn kiên trì với công việc, tạo ra và nâng cao thu nhập. Có lẽ bạn sẽ nghĩ rằng đâu phải lúc nào tôi cũng yêu nghề được. Thế những lúc tôi mệt, tôi buồn, tôi chán nản cái công việc tay chân này thì tình yêu nào cho nghề tôi chọn? Bạn là con người và bạn có quyền được buồn, được mệt. Tuy nhiên, sau cùng nuôi dưỡng tình yêu nghề lâu dài mới là cách bạn giữ cho mình ngọn lửa của quyết tâm và lao động chăm chỉ. 

Có một câu chuyện rất hay trong cuốn sách “Người giàu có nhất thành Babylon” - cuốn sách về tài chính được mệnh danh là nguồn cảm hứng cho rất nhiều tỷ phú trên thế giới có lẽ sẽ khơi dậy trong bạn điều gì đó về tinh thần làm việc không ngừng nghỉ. Câu chuyện bắt đầu bằng tình huống một người nô lệ tên là Sharru Nada ở thành Babylon bị đưa ra chợ nô lệ để bán. Tại khu chợ này, số phận của một con người sẽ được định đoạt theo hai hướng. Thứ nhất, họ sẽ được bán cho một ông chủ nào đó nhìn trúng khả năng làm việc của họ. Thứ hai, nếu sau 2 ngày vẫn không ai chọn, họ sẽ bị bán cho quân lính của nhà vua làm lao động khổ sai để xây dựng đền đài. Đây là công việc không có ngày về và cực kỳ vất vả. Những người nô lệ khác tỏ ra phản kháng và bất hợp tác với những người mua nô lệ. Cuối cùng họ bị đẩy đi làm khổ sai. Ngược lại, Sharru Nada nghe theo lời khuyên của một người bạn và làm đúng như thế. Sau này, nhờ vào đầu óc nhanh nhạy và khả năng làm việc chăm chỉ, ông tự giải thoát mình khỏi kiếp nô lệ và trở thành một trong những thương gia giàu nhất Babylon. Nguyên văn lời khuyên đó như sau: “Có một số người vốn ghét làm việc. Họ xem công việc như kẻ thù. Nhưng với chúng ta, tốt nhất hãy xem công việc như một người bạn tốt. Cậu hãy cố gắng yêu thích công việc và đừng bao giờ né tránh những công việc nặng nhọc. Để có được một ngôi nhà khang trang, một công việc ấm no, thì ta không thể không làm việc.” 

Nếu bạn chỉ mới vào nghề, bạn sẽ được giao những công việc không quá khó khăn để làm quen. Dần dần, bạn sẽ phải tự mình thực hiện một công việc, một dự án hay thậm chí quản lý cả bộ phận của một doanh nghiệp. Bạn đã từng bao giờ tự hỏi tại sao cùng là thợ, có người mãi mãi là thợ phụ, có người lên được thợ chính và có người lại được làm đốc công, quản lý. Công việc sẽ không bao giờ bạc đãi người chăm chỉ, chịu khó và quyết tâm. Với tài năng và sự rèn luyện, một người thợ có thể nhìn được ra vấn đề của máy móc và đề xuất phương án sửa chữa để tiết kiệm chi phí, nhiên liệu và nhân công mà đến ngay một nhà nghiên cứu cũng có thể không nhìn ra được. Đây mới là yếu tố bạn đứng đâu trong thị trường lao động này. 

Tình yêu nghề giúp bạn tạo giá trị cho xã hội 

Người ta vẫn thường hay nhắc đến những nhà phát minh, doanh nhân với ánh nhìn ngưỡng mộ vì những đóng góp của họ cho xã hội. Một người thợ yêu nghề và làm việc chăm chỉ sẽ có những đóng góp riêng của mình. Họ tạo ra thu nhập, đóng thuế và không tạo gánh nặng cho xã hội. Khi trở thành người thợ cứng, năng lực của họ tạo ra nhiều giá trị hơn cho ngành nghề của mình và toàn thể xã hội. 


Tình yêu nghề giúp bạn tạo giá trị cho xã hội

http://www.vinacomin.vn

Cách thức trở thành một người thợ yêu nghề

Khát vọng

Tình yêu bắt đầu từ khát vọng có được, chiếm hữu được và khát vọng cống hiến. Nếu không có khát vọng, bạn sẽ làm việc trong tâm thế hời hợt, chống đối. Bạn nghĩ tâm thế này có tạo nên một người thợ yêu nghề không? 

Niềm tin

Sẽ không ai đi con đường hoàn toàn bằng phẳng từ đến cuối. Bạn có thể có những lúc nản lòng vì nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, niềm tin sẽ giúp bạn kiên định bước tiếp. 

Kế hoạch

Tình yêu không đi liền với kế hoạch chỉ là cảm xúc bốc đồng nhất thời. Ngay từ bây giờ, bạn nên bắt đầu xây dựng kế hoạch học tập, làm việc và kế hoạch thăng tiến cho riêng mình. Thay vì cứ đi mà không có định hướng, kế hoạch sẽ giúp bạn nhìn rõ hơn tương lai và kéo bạn khỏi những cạm bẫy kìm chân trên con đường trở thành một người thợ yêu nghề và lành nghề. 

Kiến thức

Để thành công trong một lĩnh vực, ta cần có kiến thức về lĩnh vực đó. Những người thợ không ham mê học hỏi thường chỉ bằng lòng với những gì đang có. Họ không phát triển, thậm chí đi thụt lùi và thường bị đào thải. 

Kiên trì 

Có kế hoạch nhưng không kiên trì thực hiện thì cũng khó lòng mà thành công. Sự kiên trì thể hiện bạn rất yêu công việc và nghiêm túc muốn theo đuổi nó. 


Cách thức trở thành một người thợ yêu nghề

https://wikivui.com

Đừng chỉ yêu, hãy hành động 

Với tất cả yếu tố trên, liệu bạn thấy mình có phải một người thợ yêu nghề không. Tình yêu cần đi liền với hành động một cách mạnh mẽ và kiên trì mới đem lại kết quả. 

Lời kết 

Rõ ràng để làm thợ chưa bao giờ là dễ dàng như nhiều người vẫn nghĩ. Bất cứ thành công nào cũng đều cần sự đánh đổi về thời gian, sức lực và tâm huyết. Hy vọng bài viết đã giúp bạn có cái nhìn hoàn thiện hơn về một người thợ yêu nghề và hành trình phát triển nghề nghiệp của mình. 


Chưa bao giờ là dễ dàng

http://truongdaynghethanhxuan.edu.vn


Đăng nhận xét

0 Nhận xét