Subscribe Us

Vacxin là gì và lịch sử của nó như thế nào?

Từ xưa tới nay con người luôn phải đối diện với nhiều đại dịch lây nhiễm. Thay vì chữa bệnh không dứt điểm với rủi ro cao, các nhà nghiên cứu đã phát minh ra một phương thức kích hoạt hệ miễn dịch từ sớm mang tên vacxin. Khởi phát từ bệnh đậu mùa, hàng loạt căn bệnh khác cũng được ngăn ngừa nhờ có vacxin. Vậy vacxin là gì, quá trình hình thành và phát triển của nó thế nào? Tại sao bạn cần vacxin? Vacxin nào đáng tin để phòng chống Covid-19? Tất cả thắc mắc này sẽ được giải đáp ngay dưới đây. 


Vacxin là gì

https://www.bbc.com

Vacxin là gì

Trước khi nói về vacxin, bạn cần hiểu kháng nguyên là gì. Kháng nguyên là các phiên bản gần giống với virus hoặc là virus ở phiên bản yếu hơn. Khi tiêm vào cơ thể, kháng nguyên không đủ mạnh để kích hoạt các triệu chứng gây bệnh. Tuy nhiên, hệ miễn dịch của chúng ta sẽ được kích thích để sản sinh kháng thể. Nhờ những kháng thể này mà cơ thể sẽ tự miễn dịch nếu mắc phải virus trong tương lai. 


Vaccine (Việt hóa: Vắc-xin) là chế phẩm được bào chế từ hai nguồn gốc: (i) vi sinh vật gây bệnh hoặc (ii) vi sinh vật mang cấu trúc kháng nguyên giống như vi sinh vật gây bệnh. Khi được bào chế, vacxin sẽ mang tính kháng nguyên để giúp cơ thể tự miễn dịch với các tác nhân gây bệnh. 

Vì sao chúng ta cần có vacxin

Có những căn bệnh đã cướp đi tính mạng của rất nhiều người mắc trước khi vacxin ra đời như sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, quai bị, lao, viêm não Nhật Bản B, thủy đậu,... Ví dụ như bệnh sởi, ở Mỹ, trước khi có vacxin số bệnh nhân mỗi năm là 3-4 triệu người mắc. Trong đó có 400-500 ca tử vong do căn bệnh này. Theo thống kê, 90% người nếu không được tiêm vacxin sởi sẽ có khả năng nhiễm bệnh nếu tiếp xúc với người bệnh sởi. 


Vì sao chúng ta cần có vacxin

http://dongnaicdc.vn

Vacxin là phát minh tuyệt vời của nhân loại giúp cơ thể nâng cao khả năng kháng bệnh. Thay vì đợi có bệnh rồi mới chữa, vacxin được tiêm vào cơ thể với mục đích giúp hệ miễn dịch của chúng ta nhận diện được vật lạ và tiêu diệt từ trước. Từ đó, hệ miễn dịch sẽ ghi nhớ cho những lần tác nhân xâm nhập vào cơ thể tiếp theo. 

Xét về mặt cộng đồng, tiêm chủng vacxin trên diện rộng còn giúp tạo hệ miễn dịch cộng đồng. Nếu như bệnh đó biến mất hoặc được miễn dịch hoàn toàn, chương trình tiêm chủng vacxin trên diện rộng không nhất thiết phải diễn ra. 

Lịch sử hình thành và phát triển của Vaccin

Thế kỷ 16: Vacxin ra đời như một giải pháp cho bệnh đầu mùa

Bệnh đậu mùa xuất hiện khiến tỷ lệ tử vong ở trẻ em gia tăng rất cao đồng thời để lại hậu quả là khuyết tật suốt đời. Đây được đánh giá là căn bệnh đáng sợ nhất lịch sử (30% tử vong là con số báo động. Vào thế kỷ 16, ở Trung Quốc xuất hiện chủng ngừa có tên là Variolation. Chủng ngừa này được sản xuất từ vảy hoặc mủ của người đã nhiễm đậu mùa và kích hoạt vào cơ thể một người khỏe mạnh để biến họ thành bệnh nhân. Các nhà sản xuất hy vọng rằng khi được kích hoạt, tình trạng bị nhiễm bệnh của những người khỏe mạnh này sẽ tốt hơn những người nhiễm ban đầu. Sau khi đã hồi phục, cơ thể của những người này sẽ sản sinh cơ chế tự miễn dịch và không mắc đậu mùa nữa. Tuy nhiên, với nền y học thời đó thì đây vẫn là thử nghiệm mang tính mạo hiểm. 

Thế kỷ 18: Bước phát triển gắn với ngành miễn dịch học 

Vào thời điểm này, Edward Jenner - một nhà vật lý người Anh qua quá trình quan sát và nghiên cứu đã nhận ra rằng những người nông dân chăn bò sữa thì thường không bị mắc bệnh đậu mùa. Trong khi đó, bò cũng có thể bị bệnh đậu mùa giống người nhưng nhẹ hơn và hiếm khi tử vong. 

Từ quan sát này, năm 1796, Jenner tiêm mủ lấy từ vết thương đậu mùa trên bàn tay của một người vắt sữa bò vào một cậu bé 8 tuổi. 6 tuần kể từ thời điểm tiêm, cậu bé này được phơi nhiễm với đậu mùa nhưng kết quả là cậu không hề bị nhiễm. Sau đó, Jenner vẫn kiên trì thu thập kết quả của 23 bệnh nhân nhiễm đậu mùa nhưng có tiêm chủng từ trước để chứng minh cho nghiên cứu của mình. Nghiên cứu này thành công đến mức tiêm chủng đậu mùa không chỉ là khuyến nghị mà được áp dụng một cách bắt buộc ở nhiều quốc gia. 

Thế kỷ 19: Louis Pasteur và sự ra đời của vacxin bệnh dại 

Một cậu bé 9 tuổi đã được cứu thoát khỏi bệnh dại khi bị chó cắn. Điều này không những có ý nghĩa với em bé này mà còn mở ra một chương mới cho y học thế giới. Bằng cách tiêm virus dại cho cậu, bác sĩ Louis Pasteur đã ngăn chặn được bệnh dại sau 13 ngày. Ông đưa ra liệu pháp mới của mình và virus này đã cứu sống hàng triệu người sau đó. 


Louis Pasteur và sự ra đời của vacxin bệnh dại

https://www.ntdvn.com

Thế kỷ 20: Sự phát triển của hàng loạt vacxin khác 

Tiếp nối sự thành công của hai loại vacxin trên, các nhà khoa học đã thành công khi đưa ra các loại vacxin khác như: vacxin ho gà (1914), bạch hầu (1926), uốn ván (1938), cúm (1945) và quai bị (1948), bại liệt (1955), sởi (1963), rubella (1969). Nhờ đó, các chiến dịch y tế đã thúc đẩy tỷ lệ tiêm chủng toàn cầu nhanh chóng. 

Đặc biệt, năm 1980, thế giới công bố xóa bỏ hoàn toàn bệnh đậu mùa. Miễn dịch cộng đồng được thiết lập thành công với căn bệnh này mở ra một trang mới cho ngành y tế toàn thế giới. 

Thế kỷ 21: Hạ giá vacxin và sự bùng nổ của Đại dịch Covid-19 

Không thể phủ nhận vai trò của vacxin, tuy nhiên vướng mắc hiện tại của các chương trình tiêm chủng xuyên quốc gia là ở vấn đề kinh tế. Lượng vacxin cho các bệnh kể trên vẫn rất nhiều nhưng khả năng tiếp cận không cao. Gần 30 triệu trẻ em của các nước đang phát triển có nguy cơ không được tiêm chủng bởi chi phí vượt quá khả năng. Năm 2000, tổ chức GAVI - Liên minh vacxin và tiêm chủng toàn cầu được thành lập để kêu gọi các nhà sản xuất hạ giá, tăng phúc lợi xã hội cho người dân và đặc biệt là trẻ em các nước nghèo. Tình hình ổn định hơn khi ước tính khoảng 13 triệu trường hợp đã được hỗ trợ bởi tổ chức này. 

Đại dịch SARS-COV-2 bùng nổ từ cuối năm 2019 đang đặt toàn nhân loại vào một thách thức mới. Sau quá trình nghiên cứu 2 năm, các nhà khoa học từ một số quốc gia có nền y học tiên tiến như Úc, Nga, Trung Quốc,... đã công bố những mẫu vacxin mới. Trong tình trạng hơn nửa dân số thế giới đang phải sống trong cảnh giãn cách và hàng loạt vấn đề trong đời sống bị ảnh hưởng nặng nề, vacxin Covid-19 được kỳ vọng sẽ tạo nên hệ miễn dịch cộng đồng và đưa cuộc sống về bình thường. 

Một vài Vacxin Covid-19 được lưu thông ở Việt Nam 

Vaccine COVID-19 Vaccine AstraZeneca

Vacxin này được tập đoàn AstraZeneca sản xuất, phân phối khẩn cấp tại 181 Quốc gia, vùng lãnh thổ. Bộ Y tế Việt Nam đã phê duyệt vacxin cho nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Tổng cộng, nước ta đã tiếp nhận 15 đợt giao với 8.716.290 liều. AstraZeneca cũng đang là vacxin được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam. 


Vaccine COVID-19 Vaccine AstraZeneca

https://moh.gov.vn

Vaccine Gam-COVID-Vac (hay còn gọi là SPUTNIK V)

Vaccine Gam-COVID-Vac được nghiên cứu và sản xuất bởi Viện Nghiên cứu Gamaleya, Nga, được cấp phép tại 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tháng 3 năm 2021, chính phủ Ng đã viện trợ cho Việt Nam 2.000 liều vacxin và đang sử dụng với 900 người. Ngày 1 tháng 8 năm 2021, Chính phủ Nga tiếp tục viện trợ thêm cho nước ta 10.000 liều Vaccine Gam-COVID-Vac. 

Vaccine Vero Cell của Sinopharm

Vaccine Vero Cell là vacxin do Trung Quốc phát triển và sản xuất, được cấp phép tại 64 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chính phủ Trung Quốc đã viện trợ 500.000 liều Vaccine Sinopharm cho Việt Nam. Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên tiến hành tiêm diện rộng. Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang triển khai chiến dịch tiêm chủng với vacxin Sinopharm này. 


Vaccine Vero Cell của Sinopharm

https://moh.gov.vn

Vaccine Comirnaty của Pfizer/BioNTech

Vacxin này được cấp phép tại 111 quốc gia và vùng lãnh thủ. Hiện tại, có khoảng 850 triệu liều vacxin Pfizer đang được sử dụng. Việt Nam đã tiếp nhận 746.460 liều và đang thực hiện tiêm chủng. 

Vaccine Spikevax (Hay còn được gọi là Covid-19 Vaccine Moderna)

Covid-19 Vaccine Moderna được cấp phép tại 64 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tại Việt Nam, có hơn 5 triệu liều được Chính phủ Mỹ viện trợ đang được triển khai tiêm chủng. 


Hay còn được gọi là Covid-19 Vaccine Moderna

https://www.bbc.com

COVID-19 Vaccine Janssen

Janssen Pharmaceutica NV (Bỉ) và Janssen Biologics B.V (Hà Lan) đã phối hợp nghiên cứu và sản xuất nên Vaccine Janssen. Hiện tại, Vaccine Janssen được cấp phép sử dụng tại 56 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, nước ta chưa tiếp nhận vacxin này. 

Lời kết 

Khởi sinh từ thế kỷ 16, vacxin được đánh giá là bước đột phá của nhân loại và là liều thuốc hồi sinh nhiều mạng sống. Những đại dịch từ cách đây 5 thế kỷ luôn đặt chúng ta vào thách thức phải nghiên cứu, bào chế ra nhiều loại vacxin hơn nữa. Nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 với những biến thể mới phát sinh ngày một nhiều hơn thì việc tìm ra một loại vacxin phù hợp ngày càng cấp thiết. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn cái nhìn cụ thể về vacxin, lịch sử hình thành và một vài gợi ý về vacxin Covid-19 để bạn tham khảo. 

Đăng nhận xét

0 Nhận xét