Subscribe Us

Thời sinh viên 4 năm đại học

Đại học là lựa chọn, là cột mốc lớn và bây giờ nó sắp là kỷ niệm để nhớ về với tôi. Khi đọc bài viết này, bạn có thể đã, đang hoặc chưa học đại học. Điều này không quá quan trọng. Bởi học tập và tích lũy kiến thức là câu chuyện của cả cuộc đời. Nhưng 4 năm đại học thực sự đã xây dựng nên một phiên bản trưởng thành, cứng rắn và hoàn thiện hơn của tôi. Và giờ đây, tôi muốn chia sẻ câu chuyện về chặng đường tôi đã đi qua trong 4 năm với đủ mọi vui buồn, thành công hay thất bại. Biết đâu, bạn đọc sẽ tìm được một vài điểm chung chăng? 


Thời sinh viên 4 năm đại học

https://hayhochoi.vn

Thời sinh viên là gì?

Trước đây, trong trí tưởng tượng của tôi với tư cách là một đứa bé, các anh chị sinh viên thực sự rất khác biệt so với lứa tuổi học sinh. Các anh chị được mặc quần áo đủ phong cách, vừa đi học nhưng vẫn có thể đi làm. Trải nghiệm của họ mang tính chất “người lớn” và được mở rộng hơn so với tuổi học sinh rất nhiều. 

Khi đã thực sự trở thành sinh viên, tôi mới cảm nhận được suy nghĩ ngày xưa của mình không sai. Sinh viên là những người đang theo học tại các trường đại học/cao đẳng/trung cấp,... Đây là những cấp học không còn mang tính chất phổ thông mà chỉ chuyên sâu trong một ngành nghề hoặc lĩnh vực. 


Thời sinh viên là gì?

https://vtv.vn

Do đó, thời sinh viên là sự chuẩn bị về kiến thức, kỹ năng và cả tinh thần cho sự nghiệp sau này. Bên cạnh đó, với tính chất cởi mở và tự do, thời sinh viên là quãng thời gian cho phép bạn trải nghiệm về cuộc sống, vấp ngã với cái giá phải trả thường rẻ hơn so với người trưởng thành. 

Trong bài viết dưới đây, tôi sẽ kể câu chuyện về thời sinh viên của mình qua từng năm để bạn có thể thấy rõ sự trưởng thành và thức ngộ của tôi. Bên cạnh đó, tôi sẽ cố gắng tổng kết một vài những bài học và đúc rút của bản thân theo thời gian để bạn đọc (nếu đang là sinh viên) có thể tránh những lỗi sai mà tôi từng gặp phải. Còn bây giờ, bắt đầu thôi. 


Năm nhất - Ngây thơ và vụng dại

Tôi là một học sinh ở tỉnh lẻ và chọn học đại học ở thủ đô Hà Nội. Thực chất điều này không hề hiếm gặp. Hằng năm, có hàng trăm nghìn học sinh lớp 12 từ các tỉnh thành chọn các thành phố lớn như Hà Nội hoặc Thành phố Hồ Chí Minh là nơi để học đại học. Bởi đây là nơi hội tụ những trường đại học với chất lượng giảng dạy hàng đầu, môi trường năng động và đầy rẫy những cơ hội để phát triển nếu bạn biết cách nắm bắt.

Tuy nhiên, chưa ai nói cho một cô bé lớp 12 ngây thơ như tôi biết rằng cơ hội và thử thách luôn song song với nhau. Chọn sống xa nhà và tự lập đồng nghĩa với việc tôi sẽ tự mình phải giải quyết mọi vấn đề (bao gồm cả những vấn đề tôi chưa từng gặp). Đi tìm trọ là một trong những vấn đề đó. Nếu chọn các khu trọ gần trường, tôi phải chấp nhận ở trong những căn hộ có diện tích hẹp, tiện nghi không quá ưng ý với mức giá cao. Nếu chọn trọ xa trường, tôi có thể giảm bớt chi phí nhưng sẽ phải chịu cảnh tắc đường mỗi khi tan học và những bất tiện nếu đi làm thêm. Ngoài ra, các vấn đề khác tuy nhỏ nhưng có thể ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của bạn như tính cách của chủ trọ và bạn cùng phòng, an ninh khu vực bạn sống, giá cả sinh hoạt của khu dân sinh,... 

Theo kinh nghiệm của bản thân sau lần chuyển trọ, tôi nghĩ có vài yếu tố bạn nên cân nhắc thật kỹ nếu chọn nơi sống bao gồm: 

(i) Người sẽ sống cùng bạn (tính cách, phong cách sống, cách chi tiêu, học thức, mối quan hệ, …); 

(ii) Hợp đồng: Trong tình huống phát sinh tranh chấp, bạn chỉ có duy nhất văn bản này để bảo vệ quyền lợi bản thân. Nên nhớ rằng bạn luôn là bên yếu thế so với chủ nhà và phải đọc thật kỹ từng điều khoản trong hợp đồng thuê nhà nếu không muốn chịu thiệt thòi; 

(iii) Nên ưu tiên khu vực có dân trí cao và an ninh tốt: Bạn sẽ khó tập trung học tập, làm việc nếu bên cạnh toàn những tranh cãi, xô xát và ẩu đả. Hơn nữa, tôi từng bị mất một chiếc xe đạp điện do trộm lẻn vào nhà trọ lấy mất. Hãy đảm bảo rằng an ninh nơi bạn sống được kiểm soát chặt nhé. 

Ông bà ta đã dạy rằng “An cư lạc nghiệp”. Sau khi đã tìm được chỗ ở tốt, bạn nên bắt tay vào xây dựng cách học phù hợp ở đại học. Chúng ta đã quen với cách ôn luyện, giải đề và thi thử hàng trăm lần với mục đích đạt điểm thật cao ở bậc phổ thông để vào được đại học tốt đúng không. Vậy giờ vào được đại học rồi thì làm gì nữa? 

Bạn không cần học thuộc, giải đề. Điều đại học cần ở bạn là tư duy giải quyết vấn đề trong một lĩnh vực chuyên sâu nào đó. Tuy nhiên, điều này chưa được dạy ở năm nhất. Trong năm đầu tiên, bạn chỉ cần học các môn đại cương. Vốn dĩ những kiến thức hàn lâm này không mấy thu hút nên tôi đã chọn cách học ngoại ngữ và tham gia một vài câu lạc bộ. Nếu bạn muốn có những trải nghiệm ngoại khóa hay ho, hãy tận dụng thời gian năm nhất - khi chưa bị cuốn vào các môn chuyên ngành đòi hỏi sự nghiên cứu và tập trung lớn. 


Năm nhất - Ngây thơ và vụng dại

https://onthiielts.com.vn

Năm hai - Cởi mở và thử nghiệm 

Sau khi đã dành một năm đầu tiên để tập quen với cuộc sống ở thành phố lớn và cách học đại học, tôi nghĩ mình nên cởi mở và trải nghiệm nhiều hơn. Năm hai chứng kiến những góc nhìn và cảm nhận mới của tôi về tiền bạc, cách tư duy và kiếm tiền như một người trưởng thành.

Tôi vốn là người tiếp thu nhanh và có sức tập trung khá tốt. Hơn nữa, chương trình học của tôi không quá nặng. Do đó, tôi quyết định sẽ đi làm thêm vào năm hai. Bởi kiến thức trong ngành chưa nhiều nên tôi chỉ có thể làm part-time với những công việc không liên quan đến ngành học. Tôi bắt đầu với những công việc chân tay như pha chế, phục vụ,... Tuy thu nhập không cao, công việc khá vất vả nhưng tôi học được khá nhiều điều về tính kiên nhẫn và cách các doanh nghiệp F&B làm hài lòng khách hàng. 


Năm hai - Cởi mở và thử nghiệm

https://www.creativeboom.com

Sau đó, bởi tính cách khá tự do và sáng tạo, tôi chọn làm content freelancer cho các web, page. Công việc này khá linh hoạt về mặt thời gian và cho phép bạn tự do thể hiện ở mọi lúc, mọi nơi. Trừ một vài ngành nghề mang tính chất đặc thù, tư duy sáng tạo có thể áp dụng cho mọi lĩnh vực (bao gồm cả ngành học của tôi). Do đó, đây là công việc tôi gắn bó lâu nhất và học được nhiều điều nhất. Thu nhập ngành nghề này phụ thuộc vào năng lực của bạn. 

Năm ba - Học hỏi và dấn thân

Với tôi, đây là năm học mang tính chất bản lề và quyết định tới hướng đi sau này của bạn. Sau khi thử nghiệm khá nhiều công việc, tôi không có ý định làm trái ngành và vẫn thấy được cơ hội phát triển với chuyên ngành đang theo đuổi. Do đó, tôi đã tạm dừng các dự án thực hiện để tập trung cho việc học. 


Năm ba - Học hỏi và dấn thân

https://onthiielts.com.vn

Có 3 yếu tố sẽ giúp việc học ở trường của bạn thành công: bạn, bạn bè bạn và thầy cô bạn. Với chính mình, tôi đã có kế hoạch cụ thể về việc hoàn thành các môn học ở mức giỏi, giành học bổng trong các kỳ học và tham gia một vài cuộc thi có tên tuổi. Tất nhiên, tôi vẫn trải qua một vài thất bại nhưng những bài học rút ra được thật sự quý giá. Với bạn bè, khi bạn thật sự mong muốn, những người phù hợp sẽ xuất hiện. Qua những cuộc thi và chương trình tham gia, tôi đã tìm được cho mình những người bạn thực sự gắn bó và thân thiết. Và mảnh ghép cuối cùng tạo nên thời thanh xuân rực rỡ chính là thầy cô. Thầy cô ở đây không chỉ là những giảng viên ở trường mà còn là những mentors giúp bạn phát triển trên nhiều lĩnh vực. Đừng quên “Không thầy đố mày làm nên nhé”. 

Năm tư - Chuẩn bị cho một hành trình mới

Chương trình học ở năm cuối sẽ nhẹ hơn những năm trước đó. Bạn chủ yếu sẽ phải hoàn thành các học phần chưa xong và làm khóa luận tốt nghiệp. Hãy tranh thủ và tận dụng hết mọi nguồn lực có được để tìm nơi thực tập nhé. Đi thực tập là cơ hội để bạn có thể hiểu được mình cần làm gì để đạt được mức lương mơ ước sau này. 


Năm tư - Chuẩn bị cho một hành trình mới

https://analyticsindiamag.com

Tôi từng thử vài nơi thực tập nhưng không đem lại kết quả như mong muốn. Đừng nản chí! Thứ phù hợp với bạn có thể sẽ đòi hỏi bạn kiên nhẫn một chút. Trải qua thời gian học việc (thực chất là làm những công việc một nhân viên không muốn làm như pha trà, rót nước, in ấn,...), tôi đã bắt đầu được tiếp xúc với thực tế công việc. Nếu kinh nghiệm và kiến thức bạn còn non, điều bạn cần show cho nhà tuyển dụng (hoặc sếp) chính là phong thái nghiêm túc và tinh thần làm việc cầu thị của bạn. Chẳng có ông chủ nhà chê một nhân viên chăm chỉ, lăn xả và sẵn sàng học hỏi mọi thứ đâu. Tuy nhiên, hãy nhớ một quy tắc là: Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, việc học là ưu tiên hàng đầu của bạn. 

Lời kết 

Quãng đường đi của mỗi người đều sẽ có những trải nghiệm riêng. Tuy nhiên, tôi luôn tâm niệm một điều rằng: Mọi thứ diễn ra đều là thứ nên diễn ra. Việc bạn làm là điều bạn cần thử để trưởng thành. Người bạn gặp là một mảnh ghép tạo nên cảm xúc và cách ứng xử sau này với cuộc đời của bạn. 4 năm đại học sẽ trôi qua rất nhanh. Vậy nên hãy trân trọng từng phút giây được là sinh viên bạn nhé. 

Đăng nhận xét

0 Nhận xét