Subscribe Us

Ăn cơm là gì?

Cơm là thức ăn được chế biến từ gạo, bằng cách đem nấu với một lượng nước vừa đủ và không cho thêm bất kì loại gia vị nào, sau một khoảng thời gian nhất định cho hạt gạo chín và bun đều. Từ lâu, nó đã trở thành loại thức ăn không thể thiếu trong các bữa ăn của gia đình Việt. Ngày nay, việc ăn cơm không chỉ đơn thuần là việc ăn uống cho no bụng mà nó còn được xem là một việc vô cùng ý nghĩa và ẩn chứa nhiều vẻ đẹp sâu sắc khác xung quanh mâm cơm người Việt. Vậy, thực chất ăn cơm là gì? Chúng ta cùng tìm hiểu nhé!

Định nghĩa ăn cơm là gì?

Ảnh: dantri.com.vn

Có rất nhiều cách hiểu cho việc ăn cơm. Người bận rộn hiểu việc ăn cơm tức là một hành động giúp mình nạp thêm năng lượng, giúp no bụng từ cơm và các loại thức ăn kèm theo để tiếp tục lao động, làm việc. Một đứa trẻ lại được dạy rằng ăn cơm là cung cấp chất dinh dưỡng, bổ sung chất bột đường, vitamin cho cơ thể để giúp nó lớn lên và phát triển. Trong khi đó, ăn cơm của một đứa con xa nhà chính là những khoảnh khắc gia đình được tụ họp, quây quần bên nhau để thưởng thức những món ngon do chính tay mẹ nấu. Tùy vào mỗi đối tượng khác nhau trong từng hoàn cảnh khác nhau mà việc ăn cơm cũng được định nghĩa theo những cách khác nhau. 

Vậy định nghĩa ăn cơm là gì? 
Ăn cơm chính là một hoạt động hằng ngày giúp con người vượt qua cơm đói, bổ sung năng lượng cho cơ thể, tăng cường sức khỏe diễn ra vào các buổi trong ngày. Trong đó, thực phẩm chính là cơm trắng kèm theo các loại thức ăn khác nhau: mặn, ngọt, chua, cay tùy thích. Bạn có thể ăn cơm một mình hoặc ăn với nhiều người. Bạn có thể ăn cơm tại nhà, hoặc ăn cơm ở nơi khác. Ngày nay, cơm còn được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như cơm chiên, cơm trộn thập cẩm,...chính vì vậy mà bữa cơm Việt có nhiều biến tấu song việc ăn cơm vẫn mãi nguyên vẹn ý nghĩa của nó.

Khi ăn cơm một mình
Trong xã hội hiện đại ngày nay, con người không ngừng chạy đua với gia đình và cuộc sống. Chính vì vậy, mà có lẽ những bữa cơm gia đình, những bữa cơm được quây quần bên cạnh người thân yêu đã vô tình bị lãng quên trong phút chốc. Chắc hẳn chúng ta không khỏi xao xuyến trước hình ảnh cô lao động lủi thủi một mình ngồi bên vệ đường ăn vội phần cơm ít ỏi đã được chuẩn bị sẵn ở nhà, để có sức mà tiếp tục làm việc. Vì còn rất nhiều người phía sau đang trông chờ ở người phụ nữ nhỏ bé này. Ăn cơm một mình lúc nào cũng khoắc khoải những cảm giác cô đơn, buồn tủi. Bạn có thể ăn sơn hào hải vị, bữa ăn của bạn có thể là những thứ ngon nhất trên đời nhưng sẽ chẳng bao giờ ngon và hạnh phúc hơn khi được ăn cơm cùng gia đình và người thân. Bởi đấy chính là những bữa ăn được nấu bằng chính tình yêu hạnh phúc, khác hẳn so với vị của các loại thực phẩm quý hiếm trên đời. 

Ăn cơm một mình sẽ giúp bạn ăn nhanh hơn, là lúc mà chẳng ai nhắc bạn không được xem tivi, không được nghịch điện thoại khi ăn, ăn được nhiều hơn khi chẳng còn ai giành ăn với bạn và việc dọn dẹp sau bữa ăn cũng trở nên nhẹ nhàng hơn. Nhưng ăn cơm một mình thì bạn lại chẳng thể ăn lâu. Và tạo cơ hội cho những tật xấu khi ăn hình thành, lâu ngày, bạn dễ dàng cảm thấy chán ăn, ăn uống không đều đặn, ăn không đủ dưỡng chất, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và dạ dày. 

Có thể lấy ví dụ từ chính bản thân tôi. Vốn là một cô gái tỉnh lẻ lên thành phố học đại học, trước mắt tôi là muôn ngàn cạm bẫy, thách thức nhưng cũng không ít thành công. Từ đó, tôi phải chấp nhận cuộc sống xa nhà, xa vòng tay yêu thương, che chở của bố mẹ. Và xa cả bữa cơm gia đình để chấp nhận ăn cơm một mình nơi đất khách quê hương. Ban đầu, những mùi thơm ngon, cách chế biến độc đáo đã khiến tôi khá yêu thích những đồ ăn nơi phố thị và nghĩ nó ngon hơn hẳn những món ăn ở quê. Nhưng không! Khi những bữa ăn cơm của tôi dần dần trở thành một hình thức đối phó với dạ dày. Tôi chán ngán việc ăn cơm ở đây, tôi lại đến nhớ mùi vị bữa cơm mẹ nấu, tôi lại muốn trở về. Ăn cơm một mình, giúp tôi ăn nhanh hơn, tôi không phải tị nạnh công việc rửa bát sau bữa ăn như ở nhà. 

Nhưng ăn cơm một mình khiến tôi không thể ăn lâu, tôi không dám ăn lâu bởi hình ảnh bữa cơm gia đình luôn cứ ẩn hiện trong tâm trí non nớt này. Khi ăn cơm một mình khiến dạ dày của tôi không khỏe, bác sĩ bảo tôi ăn uống thiếu chất. Và bây giờ tôi chỉ một ước muốn được trở về nhà mà ăn cơm mẹ nấu.

Tóm lại, ăn cơm một mình không hẳn là xấu, nhưng ta không nên ăn uống một mình quá lâu. Bởi vì niềm vui từ việc này sẽ chẳng bao giờ dài lâu Hãy mời gọi thêm bạn bè, người thân đi ăn cùng hoặc về nhà ăn cơm gia đình. Mùi vị thức ăn có thể biến đổi, khẩu vị con người có thể sẽ khác, nhưng tình cảm gia đình là thứ không thể đổi dời


Ảnh: www.baoxaydung.com.vn

Khi ăn cơm ở bên ngoài
Đúng là “không cơm nào ngon bằng cơm mẹ nấu” tuy nhiên, đôi lúc chúng ta lại muốn “đổi gió” thay đổi một chút khẩu vị. Thế là hôm nay ta quyết định ra ngoài ăn cơm. Bạn có thể ăn cơm tại các nhà hàng sang trọng, các quán ăn gia đình, hay một quán ăn lề đường nào đấy để bắt đầu bữa ăn của mình. Không thể nào phủ nhận sự hấp dẫn, bắt mắt và vị ngon của những món ăn bên ngoài, tuy nhiên, ăn cơm bên ngoài lại tiềm ẩn không ít những đe dọa đến sức khỏe. Bởi thực phẩm chưa ăn, cách chế biến không đúng cách, đồ ăn để lâu ngày. Bạn hãy ra ngoài ăn để thay đổi khẩu vị, góp phần tăng thêm hứng thú với việc ăn cơm tuy nhiên nó cũng không phải là cách ăn có thể áp dụng lâu dài.


Ảnh: anhvienmimosa.com

Hoặc có thể bạn đến ăn cơm tại láng giềng, hàng xóm, hoặc các buổi tiệc. Điều này thường được bắt gặp ở các vùng quê. Chúng ta cần luyện cho mình một văn hóa cơm đẹp. Chẳng hạn như không nên chỉ mãi cắm cúi ăn uống mà không quan tâm đến những xung quanh, tốt nhất nên gắp thức ăn cho những người ăn chung trước khi ăn, không nên ăn quá nhanh, không giành ăn một mình, trong khi ăn tránh phát ra âm thanh. Đặc biệt, cần phải hạn chế nói to, cười lớn trong quá trình ăn cơm. Hãy ăn uống một cách thân thiện, lịch sự, góp phần xây dựng được ấn tượng đối với chủ nhà. Và biết đâu rằng lần sau bạn sẽ lại được mời ăn.

Lịch sự và văn minh ăn cơm của người Việt
Như đã được đề cập ngay từ đầu, ăn cơm không phải là ăn cho no bụng mà nó  còn toát lên những đặc điểm, tính cách của người ăn và những giá trị truyền thống tốt đẹp của người Việt. Từ xa xưa, ông bà ta đã dạy bảo con cháu phải biết cách ăn uống lịch sự và văn minh vẫn còn lưu truyền đến ngày nay. 



Ảnh: helloviettravel.com

Văn hóa ứng xử khi ăn cơm
Hiểu một cách đơn giản, lịch sự và văn minh của ăn cơm của người Việt là biết kính trên nhường dưới, biết mời ông bà, cha mẹ, anh chị theo từng cấp độ, vai vế một trước khi ăn. Điều mà các ba mẹ ngày nay vẫn thường hay bảo với con cái, và nó trở thành một nét văn minh trong nghệ thuật ăn cơm của người Việt. Lời mời phải nhẹ nhàng, lịch sự, hành động so đũa, lau bát, xới cơm thể hiện sự kính trọng người lớn tuổi hơn mình. Lịch sự và văn minh khi ăn cơm là ăn chậm nhai kỹ, ăn uống từ từ, không nên ăn quá nhanh mà ảnh hưởng đến việc tiêu hóa của dạ dày, là ăn uống một cách nghiêm túc, chú tâm, không phải vừa ăn vừa nghịch điện thoại, đùa giỡn trong giờ ăn. Giờ ăn cơm là thời khắc con người bỏ hết mọi muộn phiền, áp lực để cùng nhau ăn một bữa ngon lành. Chẳng hạn như câu nói “trời đánh tránh bữa ăn”, ngay cả trời cao còn tôn trọng bữa cơm gia đình thì phận phàm nhân cũng phải biết văn minh và lịch sự khi ăn cơm mà không quát tháo, la mắng cho giờ ăn. 

Trân trọng hạt gạo

Ba mẹ tôi thường bảo rằng “các con không để rơi cơm ra ngoài, không được bỏ cơm”. Bởi hạt gạo là vốn quý, cơm tẻ là mẹ ruột, là công sức mồ hôi và nước mắt của biết bao người để có được bát cơm trắng ngần ngày hôm nay.

Nghệ thuật cầm đũa
Chắc hẳn ngay từ bé, chúng ta đều đã được dạy cách cầm đũa khi ăn cơm. Nếu người ăn cơm là một nghệ sĩ, thì cách cầm đũa là một nghệ thuật mà ai cũng cần phải học.  Khi ăn cơm, cầm đũa đúng cách chính là cách sử dụng các ngón tay cái, ngón tay trỏ và ngón tay giữa để cầm, giúp người ăn có thể dễ dàng di chuyển đũa khi gắp thức ăn và dùng cơm. Lưu ý, trước khi cầm đũa, bạn phải so đầu đũa để kiểm tra xem chúng có bằng nhau không, đầu đũa có đúng hơn không. Sau khi ăn, cũng cần phải đặt đũa lại một cách ngay ngắn, không để lung tung bừa bãi trên mâm cơm hoặc bàn ăn.

Nét văn minh và lịch sự khi ăn cơm
Hãy là một người văn minh và lịch sự khi ăn cơm, khi bạn dùng đũa hay muỗng của mình để khuấy vào vào tô thức chung, là không dùng đũa xới xới, trộn trộn thức ăn. Tư thê ngồi ăn phải nghiêm túc, chỉnh tề, không nằm ăn, ngồi thẳng lưng không cắm đũa thẳng vào bát cơm, không chống cằm, không nghịch cơm trong bát. Hơn thế nữa, bạn không nên nhúng toàn bộ đầu đũa với nước chấm. Nếu muốn gắp thức ăn cho người khác thì nên gắp trước khi ăn, hoặc đổi đầu đũa lại hoặc dùng đôi đũa khác. 
Ăn cơm một cách văn minh còn là ăn cơm đúng giờ đúng buổi, hãy thường xuyên thay đổi khẩu vị ăn uống hằng ngày để những bữa ăn thêm phần hấp dẫn và người ăn trở nên hứng thú hơn. 

Lời kết
Qua bài viết trên đây đã giúp chúng ta thấy được tầm quan trọng và ý nghĩa sâu sắc của việc ăn cơm. Ăn cơm một cách văn minh, lịch sự là thể hiện sự trân quý hạt gạo, tôn trọng người nấu và những ai ăn cùng. Bạn có thể bất kỳ món ăn nào trong bữa cơm của mình, bạn có thể một mình, ăn cùng bạn bè hoặc gia đình. Bạn có thể ăn ở nhà hay ở ngoài. Song những nét văn hóa, truyền thống tốt đẹp của người Việt trong những bữa ăn không bao giờ thay đổi. Ngược lại, nó sẽ mãi mãi lưu truyền đến ngàn sau, là bài học quý báu cho các thế hệ con cháu: “Ăn cơm là một nghệ thuật”. 


Hồng Nhung_Yellow Apricot Blossoms

Đăng nhận xét

0 Nhận xét