Subscribe Us

Mùng 5 tháng 5 là ngày gì?



Đến với Việt Nam, du khách sẽ dễ dàng bắt gặp những nét văn hóa độc đáo, các phong tục tập quán đặc trưng và nhiều lễ, Tết truyền thống,...có một không hai trên thế giới, cùng nhiều món đặc sản chỉ xuất hiện ở một số lễ, tết nhất định. Tất cả cùng tạo nên một nền văn hóa Việt đặc sắc, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong đó, ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hằng năm cũng là một trong những ngày Tết đặc biệt của người Việt từ nhiều đời nay. Vậy, mùng 5 tháng 5 là ngày gì? Mọi người thường làm gì vào ngày này? Những sự kiện gì sẽ diễn ra vào thời gian này? Chúng ta hãy cùng khám phá ngày đặc biệt này nhé!


Định nghĩa ngày mùng 5 tháng 5


Ảnh: nghiledongtho.com

Mùng 5 tháng 5 hằng năm tức là ngày tết Đoan Ngọ hay còn gọi là tết Đoan Dương. Năm nay, tết Đoan Ngọ diễn ra vào ngày 7/6 dương lịch (2019). Theo những ghi chép xưa, Đoan là bắt đầu, Ngọ là giờ Ngọ trong một ngày, tức vào khoảng 11 giờ trưa đến 13 giờ chiều, đây cũng chính là khoảng thời gian nóng nhất trong ngày. Nên Đoan Ngọ tức là ngày bắt đầu những thời điểm nóng nhất trong năm. Hay Đoan Dương được hiểu là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh, bởi dương là mặt trời tức ám chỉ đến phần dương, dương khí. Và đây cũng thời điểm giao điểm mùa, thời tiết nóng bức, xuất hiện nhiều loại côn trùng, sâu bọ mà cái tết này còn được biết đến với tục diệt sâu bọ, hay Tết diệt sâu bọ.



Ảnh: http://hinhnendepnhat.net 

Ngoài ra, không chỉ được tổ chức ở Việt Nam mà tết Đoan Ngọ còn là một ngày tết truyền thống ở Trung Hoa, Hàn Quốcmột số nước châu Á, với nhiều giai thoại gắn liền với sự ra đời của ngày tết này. Vào ngày này, người Việt chúng ta thường bày mâm cúng với món ăn đặc sản, cùng nhiều phong tục, hoạt động đặc trưng riêng của từng vùng miền khác nhau. 




Tết Đoan Ngọ ở 3 miền

Mỗi năm, cứ vào đúng ngày mùng 5 tháng 5, người dân 3 miền đều tổ chức mừng tết Đoan Ngọ theo từng cách riêng của mình. Nhất là cái tỉnh miền Nam và miền Trung được cho là đón tết Đoan Ngọ rất to. Đối với người dân miền Bắc, dù bôn ba, làm ăn nơi đâu khi đến ngày này đều trở về quây quần bên gia đình cùng nhau bày trí mâm cúng Đoan Ngọ. Tùy theo vào từng vùng miền khác nhau mà cách bày trí mâm cúng tết cũng khác nhau. Tuy nhiên, mâm cúng này không thể nào thiếu rượu nếp và trái cây, thông thường là các loại quả có vị chua như vải, mận, sấu,... Bởi ông bà ta quan niệm rằng, trong bụng con người luôn luôn chứa nhiều sâu bọ, những loại gây hại cho sức khỏe, nhất là ở các cơ quan tiêu hóa. Hằng ngày, chúng đều ẩn náu trong cơ thể người để gây hại, duy chỉ ngày mùng 5/5 mới xuất đầu lộ diện nên đây chính là thời cơ thích hợp để tiêu diệt. Tục ăn rượu nếp với ý nghĩa làm cho các loại sâu bọ bị say, sau đó dùng các loại quả có vị chua để giết chúng. Nên vào buổi sáng mùng 5/5, sau khi làm vệ sinh xong, người dân miền Bắc sẽ ăn ít nhất một chén cơm rượu và các loại quả chua. Đối với trẻ em do sức đề kháng yếu nên sẽ được thoa thêm chu sa hoặc thần sa vào bụng và hai bên thái dương, hoặc hòa chung với nước để uống nhằm tránh những tác động khi sâu bọ chết gây ra. 


Về phần cơm rượu được bày cúng ở 3 vùng có phần tương đối khác nhau. Khi người Bắc dùng nếp Cẩm để nấu thành cơm rượu rời, thì người miền Nam lại ủ thành cơm rượu nếp cục, được bày bán khá nhiều ngoài chợ vào những ngày thường. Trong khi đó, cơm rượu của miền Trung được tạo thành khối. Đặc biệt nhất là rượu nếp xứ Huế với khả năng giải khát cực tốt khi nó được lên men vừa tới nên có mùi không quá gắt, ăn kèm với đá rất ngon. Sở dĩ đây là loại thức ăn không thể thiếu trong ngày tết Đoan Ngọ là bởi vì vị ngọt tự nhiên, hương thơm từ nếp kèm theo việc nồng cay mà nó được cho là có khả năng tiêu diệt các loài ký sinh trùng





Ảnh: http://m.baomoi.com

Ngoài ra, vào ngày Tết Đoan Ngọ, người dân Việt Nam còn có tục tắm nước lá mùi. Đây là một loại lá nhỏ, có mùi hương được hái từ cây mùi mang về đun thành nước nấu chờ đến giờ Ngọ ngày mùng 5 để tắm, với ý nghĩa giúp cơ thể khỏe mạnh, cường tráng, trừ độc, giúp tránh được các triệu chứng cảm mạo. Ở miền Nam, người ta có thể thay loại lá này bằng lá chanh hoặc lá ổi, cả người lớn và trẻ em đều tắm. Bây giờ thì tôi đã hiểu tại sao bà và mẹ hay bảo tôi tắm nước lá chanh vào lúc 12 giờ trưa ngày mùng 5, điều mà thường ngày được cho là không tốt cho sức khỏe.

Nếu bạn ở tỉnh ven biển của khu vực miền Trung, thì sẽ được thay tục tắm lá bằng việc tắm biển hoặc tắm sông vào đúng giờ Ngọ. Chính vì vậy, vào các ngày này, các biển miền Trung như Quy Nhơn, Phan Thiết,... đều khá đông khách đến đây để tắm mùng 5. Không chỉ dùng để tắm mà các loại lá này còn được dùng để nấu uống với hy vọng tránh được bệnh tật. Thêm vào đó, bởi ảnh hưởng từ quan niệm của người Trung Hoa cùng với truyền thuyết rằng Chư Tiên đã hóa phép cho các loại lá vào giờ này, nên những loại lá, cành, củ được hái, đào vào đúng giờ Ngọ ngày tết Đoan Ngọ sẽ có khả năng chữa được một số bệnh.

Do đó vào đúng giờ Ngọ mùng 5, người dân các vùng cũng thực hiện tục hái thuốc với các loại lá như ngải cứu, đinh lăng,...mang về phơi khô làm thuốc. Hoặc có thể đi mua lá thuốc vào ngày này. Có lẽ vì vậy, ngày nay, ở một số nơi, ngày mùng 5 tháng 5 còn được gọi là tết Thầy lang để tưởng nhớ công ơn dạy và chữa bệnh. Hay "Tết sui gia" khi đàn trai sẽ mang biếu đàn gái lễ vật gồm một cặp vịt, chè, kê, đậu xanh, nếp,... Hoặc những chàng trai đang hẹn hò với cô gái nào thì cũng mang sang biếu nhà vợ tương lai, với ý nghĩa cầu chúc hạnh phúc, tình thông gia gắn chặt, tình cảm vợ chồng, tình yêu đôi lứa càng thêm thắm thiết. Hay việc nhỏ mắt, rửa mặt bằng nước chanh giúp sáng mắt là một tục lệ khá phổ biến của người xứ Huế nói riêng và người miền Trung nói chung. 

Nhắc đến tết Đoan Ngọ, thì không thể nào không nhắc đến đặc sản 3 miền vào ngày tết lớn nhất nhì trong năm này. Mỗi một vùng lại mang một nét văn hóa ẩm thực riêng vào ngày này song tất cả đều ngon, đều mang ý nghĩa sâu sắc. Nếu ở miền Nam, bạn sẽ được thưởng thức món bánh xèo truyền thống, bánh khọt, chè trôi nước được làm từ bột nếp trắng với nhân làm từ đậu xanh, trông giống như bánh trôi ngoài Bắc, ăn kèm với nước cốt dừa rất ngon và một vài lát gừng giúp ấm bụng, gừng cũng có nhiều tác dụng tích cực trong việc giải nhiệt, giải cảm.





Ảnh: http://m.baomoi.com


Thì khi đặt chân đến miền Trung, bạn sẽ thưởng thức các món ăn ngon từ thịt vịt như vịt tiềm thuốc Bắc, cháo vịt, vịt luộc ăn kèm nước mắm rừng, vịt quay,... 




Ảnh: http://m.kenh14.vn

Đây được xem là món ăn chính của ngày mùng 5, mặc dù nó không thường dùng vào những ngày đầu tháng của người Việt. Và có rất nhiều cách lý giải cho sự xuất hiện những món ăn từ vịt vào ngày đầu tháng 5 này. Theo Đông y, thịt vịt có vị ngọt, tính mát, màu vàng trắng có công dụng bổ trung ích khí, điều hoà khí huyết, tăng cường thể lực. Ông bà ta bảo rằng "ăn thịt vịt hiền và khỏe" khi thịt vịt còn tác dụng chữa sốt, hạ nhiệt, giải độc. Chính vì vậy, dùng vịt vào ngày này rất tốt cho sức khỏe, đồng thời, vịt ở giai đoạn này đều rất béo tốt, thịt ăn rất ngon. Trước đây, món tiết canh vịt cũng khá phổ biến ở khu vực miền Bắc và miền Trung, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên món ăn này hầu như không còn xuất hiện trên bàn ăn ngày mùng 5. Ngoài ra, còn có chè kê vàng thơm phưng phức với cách ăn độc đáo bằng cách dùng bánh tráng để múc chè thay vì dùng muỗng, thìa. Giúp tạo nên vị giòn tan từ bánh tráng vị cay cay của gừng, vị ngọt của đường và dẻo thơm từ kê, ăn vào giúp bổ khí huyết, tăng cường thể trạng.



Ảnh: http://m.baomoi.com


Bây giờ hãy cùng nhau thưởng thức món bánh giò chấm mật của người miền Bắc. Đây chính là món ăn không thể thiếu ở cả 3 miền, xong do cách chế biến có phần khác nhau, nên tên gọi cùng khác khi miền Nam gọi là bánh ú nước tro vì để làm bánh này bạn cần phải ngâm gạo nếp vào nước tro độ khoảng một tuần. Người dân miền Bắc cho rằng ăn bánh giò chấm mật sẽ giúp tiêu tan mọi bệnh tật, giải trừ độc tố, nên đây là thành phần không thể thiếu trong mâm cúng ngày tết Đoan Ngọ. Để làm bánh này, gạo nếp cũng được chọn lọc thật kỹ sau đó mang ngâm với nước tro được đốt ra từ cây rơm nếp vàng. Bánh chính ăn kèm nước mật mía rất ngọt thơm, ăn một lần nhớ mãi mãi. 





Ảnh: http://m.baomoi.com

Nếu đã thử qua vị thơm ngon của bánh giò chấm mật thì không có lý do gì để bạn từ chối món bánh khúc của người Nùng, đây cũng là loại bánh dành cho ngày mùng 5 của dân tộc này. Nếu bạn từng đọc tác phẩm "Chỏ bánh khúc của dì tôi" chắc hẳn sẽ phần nào mường tượng ra cách làm món bánh này. Gọi là bánh khúc vì nó được làm từ rau khúc, đậu xanh, gạo nếp, vừng, thịt, hành,...làm nhân bánh. Bạn có thể hấp hoặc rán bánh tùy thích. Cắn một miếng còn lưu hoài cái vị béo ngậy của vừng đen, thơm thơm từ rau khúc và đậu xanh. 





Ảnh: http://m.baomoi.com

Mỗi nơi đều có những món ăn đặc trưng riêng cho ngày tết thứ lớn hai trong năm này. Nhưng dù là miền Nam hay miền Bắc, miền ngược hay xuôi, thì vẫn không thể thiếu bóng dáng của rượu nếp, bánh nước tro, hoa quả. Những thứ đã làm nên nét độc đáo cho tết Đoan Ngọ của người Việt. 




Bài cúng mùng 5 tháng 5

Thực chất, mâm cúng tết Đoan Ngọ thường được chuẩn bị đầy đủ vào buổi sáng. Nhưng đến khoảng 11 giờ - 13 giờ, mới bắt đầu tổ chức cúng bài, bởi đây mới là thời điểm bắt đầu của tết Đoan Ngọ. Ngoài việc bố trí đầy đủ rượu nếp, hoa quả, bánh tro, cùng nhiều món ăn khác nhau tùy theo vùng miền, nhan đèn, nước, rượu,... thì cúng tết Đoan Ngọ cũng có bài cúng riêng biệt phải đọc sao cho đúng, cho chuẩn như sau:

"Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.

Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.

Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo Quân cùng chư vị Tôn thần.

Con kính lạy Tổ tiên, Hiển khảo, Hiển tỷ, chư vị Hương linh (nếu bố, mẹ còn sống thì thay bằng Tổ khảo, Tổ Tỷ).

Tín chủ chúng con là:............................

Tuổi:.......................................................

Ngụ tại:...................................................

Hôm nay là ngày Tết Đoan Ngọ, chúng con sửa sang hương đăng, sắm sanh lễ vật, hoa đăng, trà quả dâng lên trước án.

Chúng con kính mời ngài Bản cảnh Thành hoàng, Chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long Mạch, Tài thần, cúi xin các Ngài giáng lâm trước án chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật.

Chúng con kính mời các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ…………………, cúi xin các vị thương xót con cháu chứng giám tâm thành thụ hưởng lễ vật.

Tín chủ con lại kính mời các vị Tiền chủ, Hậu chủ tại nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng, độ cho chúng con thân cung khang thái, bản mệnh bình an. Bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng bình an thịnh vượng.

Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.

Phục duy cẩn cáo!" 

Hay đọc theo kiểu văn khấn cổ Việt Nam thì có thêm 3 lần "Nam mô a di đà phật" ở phần mở đầu và kết thúc văn khấn. 


Ảnh: http://vietnamnet.vn




Những sự kiện vào ngày mùng 5 tháng 5

Mùng 5 tháng 5 là ngày lễ tết truyền thống của dân tộc. Cả nước tưng bừng chào đón tết Đoan Ngọ về trên đất Việt. Điển hình là các tỉnh miền Tây, đây là một dịp lễ tuyệt vời dành cho những ngày hội trái cây, các hoạt động vui chơi, giải trí tại đây. Nhiều năm qua, tại vườn trái cây Tân Lộc, thuộc cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ, diễn ra lễ hội trái cây, là cơ hội để bà con nơi đây được trình làng những trái cây tươi ngon và thu hút đông đảo du khách đến đây để "bao bụng" vào mỗi dịp tết Đoan Ngọ. Hưởng ứng đúng với tinh thần, ăn trái cây, hoa quả có tác dụng triệt trừ sâu bọ gây hại trong cơ thể, lễ hội trái cây Tân Lộc diễn ra với các chủ đề như "cây lành, trái ngọt trên đất phù sa hình hạt gạo" hay "Sa Châu mùa trái ngọt". Ngoài ra còn có các hoạt động văn hóa nghệ thuật như đờn ca tài tử, hội thi trang trí, tạo hình hoa quả, hát bội, triển lãm ảnh, thi võ, thi cây cảnh, chim cảnh,... 





Ảnh: http://baocantho.vn


Hay tết Đoan Ngọ về xứ dừa nghe đờn ca tài tử, ngồi ăn bánh xèo và tham dự ngày hội trái cây hằng năm. Đặc biệt là lễ hội trái cây diễn ra từ ngày 5 - 6/9 (2019), với chủ đề "Trái cây an toàn - du lịch thân thiện", là nơi hội tụ của khoảng 22 gian hàng trái cây đặc sản của các vùng miền, 24 gian hàng giống, hàng chục gian hàng thủ công mỹ nghệ, khoảng 20 con vật lạ,... Lễ hội tại huyện chợ Lách, tỉnh Bến Tre này diễn ra với các phần như dâng hương Thần nông, hội thi trái cây, bonsai, hội thảo,... thu hút hàng trăm nghìn lượt khách lũ lượt kéo nhau về đây mỗi năm. 




Ảnh: www.nghiaphat.vn

Hay có dịp về đến cù lao Mỹ Phước, tỉnh Sóc Trăng, bạn sẽ có cơ hội được tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật, vui chơi giải trí diễn ra vào dịp tết Đoan Ngọ tại đây. Có thể kể đến như đua thuyền, thả vịt, kéo co, thi trưng bày hoa quả, thi nấu ăn,... góp phần làm cho không khí tết Đoan Ngọ trên cả nước thêm tưng bừng và sôi động.


Tết Đoan Ngọ xưa và nay 

Từ nhiều đời nay, ông bà ta luôn gìn giữ và lưu truyền nét văn hóa độc đáo vào ngày này. Nhưng nhịp sống ngày càng hối hả, tất bật, con người ngày càng bận rộn với chuyện mưu sinh, nên lễ tết Đoan Ngọ đã có phần tinh giản hơn trước nhưng vẫn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Nếu ngày nay có tục tắm mùng 5, đọc văn khấn cúng tết Đoan Ngọ, tục diệt sâu bọ bằng rượu nếp, hoa quả, hay tục hái lá. Thì tết Đoan Ngọ ngày xưa càng thêm độc đáo và đặc sắc hơn với tục bôi rượu hoặc vôi vào bụng hoặc thái dương trẻ nhỏ đến trấn an. Hay các mẹ thường lên chùa đình xin dấu son lên áo trẻ nhằm tránh được tà khí, côn trùng tấn công,...nhưng tục này đã bị bày trừ từ nhiều thập kỷ nay do có hơi hướng tâm linh, mê tín. Tết Đoan Ngọ ngày xưa là cái tết gắn liền với việc sơn móng tay, móng chân cho phụ nữ và trẻ em bằng lá móng vào đêm trước ngày mùng 5, để sáng ra bộ móng tay trông đỏ tươi rất đẹp. Hay với hy vọng cầu mong bình an, may mắn, sức khỏe an khang cho trẻ nhỏ mà người lớn sẽ cho chúng đeo bùa ngũ sắc vào ngày này, mà ngày nay điều này lại không mấy phổ biến. Ngày nay có tục chúc tết mùng 5, chúc tết sui gia, thì ngày xưa cũng có các chàng trai đã hỏi vợ, nhưng vẫn chưa cưới sẽ sang chúc tết Đoan Ngọ, hỏi thăm ba mẹ vợ tương lai vào ngày mùng 5 tháng 5.

Bạn đã nghe đến tục đổ bệnh cho cây, hay tục khảo cây chưa? Chắc chắn, rất nhiều người trong chúng ta không biết đây là phong tục gì. Tục đổ bệnh cho cây tức là đúng vào giờ Ngọ ngày mùng 5, hãy cởi trần xoa lưng vào cây chuối để trong năm không bị rôm sảy, chị em phụ nữ lấy dây buộc vào thân cây chuối sẽ không còn đau lưng, hay ngửa mặt lên trời nuốt hoa vừng để trị các bệnh về mắt. Hay tục khảo cây là một người ở dưới gốc cây dùng gậy hoặc dao đánh vào thân cây dọa rằng năm nay không ra trái sẽ chặt gãy thân cây, một người ngồi trên ngồi cây sẽ giả vờ sợ mà nhanh miệng hứa rằng sẽ ra nhiều trái, nhất là đối với những cây ít trái hoặc không kết trái. Nghe có vẻ rất khó tin. Nhưng bạn không biết được rằng chính những tục lệ đặc biệt này đã tạo nên một nét riêng trong ngày Tết Đoan Ngọ của người Việt so với các nước phương Đông khác, đồng thời thể hiện ước nguyện cầu mong sức khỏe dồi dào, cuộc sống bình an, mùa màng bội thu


mỗi thời kỳ khác nhau, tết Đoan Ngọ khoác trên mình một màu áo khác nhau. Ngày xưa và ngày nay đều có những nét độc đáo riêng biệt, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của xã hội. Nhưng cuối cùng đều tạo nét văn hóa đẹp, độc đáo của người Việt, được lưu truyền và phát triển đến ngàn đời sau. 




Ảnh: http://lichngaytot.com

Tết Đoan Ngọ là một phần hồn của văn hóa Việt Nam. Là thời điểm gia đình cùng quây quần hạnh phúc bên nhau và cầu chúc những may mắn tốt lành trong cuộc sống, mong cho sức khỏe dồi dào, tình cảm thêm gắn kết. Đây cũng chính là dịp tốt nhất để các bạn trẻ có thể tìm hiểu về những nét văn hóa, phong tục đặc biệt của người Việt, thông qua các sự kiện tại lễ tết. Mùng 5 tháng 5 không chỉ đơn thuần là ngày tết Đoan Ngọ mà nó còn là yếu tố quan trọng kết thành giá trị văn hóa Việt cần được giữ gìnphát huy, đồng thời giới thiệu với bạn bè quốc tế về cái tết đặc biệt này của đất nước mình.


Hồng Nhung_Yellow Apricot Blossoms

Đăng nhận xét

0 Nhận xét