Subscribe Us

Những thay đổi lớn trong 21 năm vừa qua của kỷ nguyên 21 (Tích cực)

Thế giới đã đi qua kỷ nguyên 21 được 21 năm. Những thăng trầm của lịch sử mang đến cho con người rất nhiều cơ hội và thách thức. Chúng ta đã có những bài học gì mà thế kỷ 21 mang lại? 


Những thay đổi lớn trong 21 năm vừa qua của kỷ nguyên 21

http://www.khoavanhoc-ngonngu.edu.vn

Cơ hội mở cửa với xu thế toàn cầu hóa

Nếu cách đây khoảng 20-30 năm, việc ra nước ngoài (du học, làm việc) là một điều gì đó rất to tát thì hiện tại, dường như ranh giới địa lý của các quốc gia đang mờ nhạt hơn bao giờ hết. Có rất nhiều lý do cho xu thế này: sự mở cửa về mặt chính trị (dỡ bỏ các đạo luật cấm vận từ nước lớn, tăng cường hợp tác đa phương); năng lực con người được mở rộng (sự chênh lệch nguồn cung nhân sự giữa các nước về mặt ngôn ngữ, tư duy và đào tạo không còn quá chênh lệch), nhận thức con người về thế giới mở rộng hơn. Do đó, “toàn cầu hóa” và “hội nhập” là hai từ khóa đang phủ sóng trên mọi phương tiện thông tin báo chí. 

Toàn cầu hóa bắt đầu từ việc mở cửa thông tin. Năm 2006, Facebook bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam. Cho đến tháng 6 năm 2021, có gần 76 triệu người (tương đương 70% dân số toàn quốc) ở Việt Nam tham gia vào mạng xã hội này. Dù bạn đang ngồi ở bất cứ đâu, việc tiếp cận thông tin chưa bao giờ dễ dàng đến thế. Xu hướng gần đây cho thấy, hầu như mọi người đều tiếp cận các cơ hội giáo dục (khóa học, học bổng,...) hay thông tin về việc làm trên Facebook. 

Cơ hội mở cửa với xu thế toàn cầu hóa

http://nghiencuuquocte.org

Ngoài ra, đại dịch Covid 19 cũng đang dần thay đổi phong cách sống và làm việc của nhân loại. Một người có thể ngồi ngay chính chiếc sofa của nhà mình để kết nối với một người bạn ở Đức, tham gia khóa học tại Anh và làm việc từ xa cho một tổ chức tại Mỹ. Điều này có vẻ thật điên rồ nếu bạn đề cập ở thế kỷ 20. Với công nghệ và sự “phẳng” của thế giới hiện tại, chẳng có gì không thể nếu có kết nối Internet. 

Nền kinh tế tri thức phát triển mạnh

Kinh tế tri thức (Knowledge-based Economy) được hiểu là nền kinh tế phát triển chủ yếu nhờ vào tri thức, khoa học và công nghệ cao. Tri thức (với sự hỗ trợ của công nghệ và khả năng truy cập thông tin sâu rộng) chính là nguồn lực quan trọng nhất quyết định sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế. Khái niệm này được hai nhà kinh tế học là Fritz Machlup và Peter Drucker đưa ra vào thập niên 60 của thế kỷ 20. Đến thế kỉ 21, đây thực sự là chiến lược phát triển bền vững của nhiều quốc gia, đặc biệt là những quốc gia phát triển và không có nhiều nguồn tài nguyên có sẵn. 

Nguyên nhân của việc chuyển dần từ nền kinh tế tiêu thụ tài nguyên sang nền kinh tế tri thức là bởi sự hữu hạn về tài nguyên và sự vô hạn về tiềm năng con người. Để nói về sự khan hiếm, có những quốc gia nằm trên khu vực địa lý khá nghèo nàn về mặt tài nguyên như Nhật Bản, Singapore,... Tuy vậy, tại sao họ vẫn là những quốc gia phát triển? Ngược lại, Việt Nam được ví là quốc gia có “rừng vàng biển bạc” nhưng vẫn là quốc gia đi sau trong nền kinh tế. Dần dần, tài nguyên cũng sẽ cạn kiệt. Việc dựa vào một nguồn hữu hạn để nuôi sống một dân tộc có vô hạn các nhu cầu sẽ không phải sự lựa chọn thông minh. Trong khi đó, có một nguồn tài nguyên khác không những không mất đi mà còn ngày càng mở rộng nếu biết khai phá đúng cách chính là tri thức và tiềm năng của con người. 

Nền kinh tế tri thức coi trọng sự sáng tạo. Những ý tưởng mới sẽ làm đa dạng hóa ngành hàng, những sáng chế mới sẽ tối ưu hóa sản phẩm với giá thành cạnh tranh hơn. Rõ ràng, những doanh nghiệp hay quốc gia coi trọng nền kinh tế tri thức sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn trên thị trường. 


Nền kinh tế tri thức phát triển mạnh

https://petrotimes.vn

Công nghệ và sự cải thiện trong chất lượng cuộc sống

Trước đây, việc sở hữu những thiết bị gia dụng thông minh (máy giặt, tủ lạnh, máy rửa bát,...) hay những thiết bị phục vụ công việc (laptop, smartphone, tablet,...) được coi là ngành hàng xa xỉ thì bây giờ, đặc biệt từ thập niên thứ 2 của thế kỷ 21, điều này hết sức bình thường. Công nghệ không còn là giấc mơ với nhiều người. Ngược lại, nó được sử dụng với vai trò là công cụ đắc lực giúp cuộc sống dễ dàng, năng động và tối ưu hóa hiệu suất làm việc nhất có thể. 


Công nghệ và sự cải thiện trong chất lượng cuộc sống

https://cafehepho.com

Việc phân ngành trong công nghệ rất đa dạng. Hãy thử điểm qua những lĩnh vực công nghệ định hình thế giới trong thế kỉ 21:

Công nghệ chuỗi khối Blockchain: Năm 2008, thế giới xuất hiện đồng tiền điện tử đầu tiên và bắt đầu xuất hiện khái niệm công nghệ Blockchain. Blockchain được hiểu là một cơ sở dữ liệu phân cấp lưu giữ thông tin trong các khối (block). Những khối này sẽ liên kết với nhau thành từng chuỗi (chain) thông qua cơ chế mã hóa. Mục đích của quá trình mã hóa và liên kết này là để chống lại khả năng dữ liệu bị biến đổi nếu không có bên trung gian đứng ra kiểm soát dữ liệu. Tính chất phi tập trung hóa này hỗ trợ tối qua tính an ninh, minh bạch của dữ liệu, nhất là trong các lĩnh vực như y tế, an ninh, hành chính công,... 

Công nghệ chỉnh sửa gen: Năm 2012, tập hợp các nhà khoa học 3 bên gồm nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Đại học California, nhóm độc lập từ Đại học Harvard và Viện nghiên cứu Broad phát hiện sẽ CRISPR - hệ thống miễn dịch vi khuẩn. Từ đó, họ phát triển công nghệ sinh học CRISPR/Cas9 được ứng dụng vào việc chỉnh sửa gen sinh vật. Điều này tạo cơ hội chỉnh sửa những sai hỏng trong DNA của bệnh di truyền, tạo ra động vật và thực vật biến đổi gen hiệu quả cao nhưng chi phí thấp hơn. 

Giới hạn của con người không chỉ nằm ở trái đất

Con người là sinh vật thông minh nhất trái đất bởi tầm nhìn của họ không chỉ dừng lại ở vùng đất mà họ đang sinh sống. Khi chúng ta ở quốc gia này, ước mơ của chúng ta vượt qua biên giới để đến với những miền đất hứa khác có thể cách xa nửa vòng trái đất. Khi chúng ta đang sinh hoạt, đi lại ở trái đất, những ý tưởng khám phá đầy mới lạ, sáng tạo lại được khơi mở từ cuộc sống giả tưởng ở những hành tinh khác. Thiên văn học trong kỷ nguyên 21 không còn là câu chuyện cổ tích của những giấc mơ viển vông mà các học giả ở thế kỷ 19, 20 đề xướng. 

Năm 1633, trí tò mò khởi nguồn cho những tranh cãi của con người về những thứ “bí ẩn, xa xôi” nằm ngoài trái đất bắt đầu từ câu nói “Dù sao trái đất vẫn quay” của Galileo - nhà thiên văn học người Ý . Galileo ủng hộ thuyết nhật tâm của Copernicus cho rằng mặt trời là trung tâm vũ trụ và mọi hành tinh đều quay quanh nó (bao gồm cả trái đất). Vậy thực sự vũ trụ có bao nhiêu hành tinh? Bao nhiêu trong số đó là hành tinh sống được? Có tồn tại người ngoài hành tinh như các bộ phim giả tưởng vẫn xây dựng hay không? Hàng loạt câu hỏi về lĩnh vực thiên văn chờ đợi con người ở thế kỷ 21 khơi mở. 


Giới hạn của con người không chỉ nằm ở trái đất

https://readvii.com

Từ năm 2010, ngành thiên văn học trên toàn thế giới đã đạt được những thành tựu không tưởng. Thậm chí, việc tiếp cận quỹ đạo trái đất ở tầm thấp hay tầm xa không còn là câu chuyện khoa học mà đã trở thành lĩnh vực được thương mại hóa toàn cầu. Hãy cùng điểm qua những thành công mà nhân loại có được trong thế kỷ 21 tính đến nay liên quan đến vũ trụ:

Năm 2011, phòng thí nghiệm không gian đầu tiên của Trung Quốc mang tên Tiangong-1 đã được phóng thành công lên quỹ đạo. Tiếp sau đó, năm 2014, Ấn Độ là quốc gia đầu tiên đưa tàu vũ trụ lên sao Hỏa thành công ngay từ lần đầu. 

Năm 2019, một nhóm các nhà khoa học quốc tế thuộc dự án Kính thiên văn Chân trời sự kiện (Event Horizon Telescope - EHT) tạo ra cơn chấn động cho ngành thiên văn vũ trụ khi quan sát được “Hố đen”- thường được mệnh danh là “Quái vật vô hình trong vũ trụ”. Siêu hố đen tại trung tâm thiên hà M87 đã chứng minh được thực thể mà 100 năm trước Albert Einstein từng nghi ngờ sự tồn tại là có thật. Khối lượng của hố đen này gấp 6.5 tỷ Mặt Trời và kích cỡ được tính toán gần dài bằng dải Ngân Hà. Dự án này được tiến hành lấy dữ liệu từ năm 2017 và mất 2 năm để các nhà khoa học ghép thành công dữ liệu hình ảnh từ 8 đài quan sát độc lập với nhau trên thế giới. 

Nhắc đến thiên văn không thể không nhắc đến NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ). Kính viễn vọng Không gian Kepler của cơ quan này được mệnh danh là “thợ săn ngoại hành tinh” khỉ chỉ trong 9 năm (2009-2018), Kepler đã phát hiện 2.700 ngoại hành tinh được xác nhận. Một người anh em khác của Kepler là Kính viễn vọng Không gian TESS được phóng đi từ năm 2018 đã khảo sát và săn lùng được thêm 34 ngoại hành tinh khác. Rõ ràng ở ngoài kia đang tồn tại rất nhiều hành tinh và ẩn chứa vô số những điều kỳ diệu mà con người chưa khám phá hết. 

Kỷ nguyên 21 đòi hỏi ở chúng ta điều gì

Điều lớn nhất mà 21 năm vừa qua của kỷ nguyên 21 để lại cho chúng ta chính là những bài học. Một vài điều gợi ý dưới đây sẽ giúp bạn trở thành “công dân mới” thành công hơn trong thế kỷ 21:

- Hãy học cách thích nghi với thay đổi

- Học ngoại ngữ chưa bao giờ là dư thừa

- Công nghệ là thứ hỗ trợ bạn, không phải điều khiển bạn

- Tư duy mở rộng và sáng tạo biến bạn thành nhân tố được kiếm tìm trong nền kinh tế tri thức

- Bạn không chỉ cạnh tranh với con người, bạn còn cần cạnh tranh với máy móc. 

- Đừng bao giờ giới hạn giấc mơ của mình. 


Kỷ nguyên 21 đòi hỏi ở chúng ta điều gì

https://thithptquocgia.org

Lời kết 

Bài viết này được đăng tải song song cùng bài viết khác phân tích những mặt tiêu cực của kỷ nguyên 21. Chúng ta không nhìn nhận lại về lịch sử để chỉ trích mà rút kinh nghiệm cho mình. Hy vọng bài viết đã giúp bạn có những suy ngẫm mới về hành trình mà nhân loại đi qua để chuẩn bị cho hành trình của chính bạn.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét