Subscribe Us

Tha thứ là gì

Có ai từng sống trên đời mà chưa từng đau khổ, mệt mỏi hay giận dữ? Có ai chỉ nhận được sự yêu thương và đối xử tốt lành từ người khác? Có ai luôn đạt được thành công và cảm giác sở cầu như nguyện? Những câu hỏi trên chắc hẳn đều chỉ nhận được câu trả lời là “Không”. Vậy khi đối diện với những vấn đề đó, bạn chọn cho mình phong thái sống nào? Đáp trả bằng sự giận dữ hay hiền hoà, bất chấp để trả thù hay tha thứ? Bài viết dưới đây sẽ cùng bạn đi tìm câu trả lời cho phong thái sống và đối diện với những điều không như ý trong đời. 


Tha thứ là gì

https://thanhnien.vn

Tha thứ là gì?

Mỗi người sẽ có những cách định nghĩa khác nhau về tha thứ. Xét về bên ngoài, tha thứ là hành động bỏ qua, không đòi hỏi bù đắp hoặc không nhắc lại một cách tự nguyện và có chủ ý về những lỗi lầm mà người khác gây ra cho mình. Thông thường sự tha thứ bao gồm tha thứ về mặt thể xác, vật chất và tha thứ về mặt tinh thần. Ví dụ, khi ai đó đánh bạn, bạn hiểu hành vi bạo lực của họ xuất phát từ sự ức chế thần kinh, bạn không đánh lại họ (tha thứ về mặt thể xác), không yêu cầu họ bồi thường tổn thất (tha thứ về mặt vật chất) và cũng không mắng chửi hay tức giận họ (tha thứ về mặt tinh thần).

tha thứ còn là hành vi tự chữa lành


https://vtc.vn

Tha thứ thường gắn với sự đau khổ mà bạn phải chịu đựng hoặc trải qua. Tuy nhiên đau khổ không phải lúc nào cũng xuất phát từ người khác. Chúng ta phải thừa nhận với nhau có đôi khi chính ta mới là người làm khổ ta. Sự lười biếng, trì hoãn, cảm giác tự ti, … có thể là nguyên nhân đẩy bạn vào tình huống không thể tha thứ cho sai lầm của chính mình. Vậy nên, xét ở phương diện nội tại bên trong, tha thứ còn là hành vi tự chữa lành và vực dậy bản thân. Tha thứ cho chính mình là khi ta chấp nhận những khuyết điểm, sai lầm và tự yêu thương bản thân mình. 

Tha thứ chưa bao giờ là điều dễ dàng 

Khó kiểm soát cảm xúc bản thân

Cảm xúc là thứ rất khó kiểm soát. Những vui buồn, nóng giận, khó chịu liên tục xuất hiện khiến bạn lúc nào cũng trong tình trạng quả bóng bơm căng. 

Khi người khác tiếp tục bơm vào quả bóng đó những sai lầm, bạn lập tức phát nổ bằng những lời lẽ nặng nề, hành vi trả thù bạo lực. Tất cả điều này đều nhân danh người bị hại. Có lẽ sau này khi đã bình tâm suy nghĩ lại, bạn không chọn giải pháp làm tổn thương họ. Nhưng khi cảm giác tức giận lên ngôi, năng lực tha thứ và hoà giải sẽ bị quên lãng. 


Khó kiểm soát cảm xúc bản thân

https://sportslink.vn

Niềm tin rằng mình không thể/không nên tha thứ

Chúng ta thường có xu hướng kịch tính hóa những gì ta phải trải qua. Do đó, bất kì sự thương tổn nào mà người khác hoặc chính bạn tự gây ra cũng sẽ dẫn đến tâm lý kháng cự, trách móc và không chấp nhận tha thứ. 

Ngoài ra, bạn sợ rằng sự tha thứ sẽ là tín hiệu để đối phương nhận thấy mình là người dễ dãi, dễ bị điều khiển và chà đạp. Cái tôi quá lớn sẽ ngăn cản việc ta trao đi tình thương và sự cảm thông tới người khác. Hãy nhớ rằng tha thứ không phải là quên đi lỗi lầm mà bạn đang chấp nhận lỗi lầm đó và từ bỏ khao khát trừng phạt người gây ra lỗi. 

Trải nghiệm của mỗi người 

Việc bạn gây ra tổn thương cho một ai đó hoặc chính mình giống như bạn đang đóng đinh lên tường vậy. Dù có rút đinh ra, bức tường vẫn chằng chịt những vết lõm không thể xoá nhoà. Có những lúc ta không thể tha thứ cho lỗi lầm của ai đó bởi chính ta đã phải chịu rất nhiều đau khổ từ tổn thương đó trước đây. 

Vì sao bạn nên tha thứ? 

Giải thoát cho bản thân khỏi sự tiêu cực 

Thể chất và tinh thần có mối liên hệ cực kỳ mật thiết với nhau. Khi bạn giữ cho mình sự thư thái, nhẹ nhàng, cơ thể bạn sẽ luôn tràn đầy năng lượng. Một người luôn giữ nụ cười trên môi sẽ giữ được hơi thở và nhịp tim ở mức tốt. Ngược lại, sự bực tức, cau có hoặc thù hận có thể dẫn đến hiện tượng tăng huyết áp. Trước khi quan tâm đến cơn giận, hãy nghĩ đến cơ thể bạn.

Bên cạnh đó, tha thứ cho người khác là cách bạn cởi trói trái tim và tâm hồn mình. Thay vì mắc kẹt mãi trong mớ lộn xộn của chỉ trích, lên án và thù hận, bạn có thể chọn cho mình tâm thế vui vẻ, vượt qua khủng hoảng và học cách tự yêu chính bản thân mình. Ví dụ, bạn vừa thi trượt một kì thi rất quan trọng bởi bạn chểnh mảng trong việc ôn bài. Bạn không thể thay đổi được sự thật là bạn đã đánh mất cơ hội bằng cách đóng cửa trong phòng rầu rĩ, khóc lóc và tự trách chính mình. Việc bạn cần làm là chấp nhận lỗi của mình, tự tha thứ và đứng dậy. 

Tha thứ để giúp đỡ người khác 

Không ai trên thế giới này hoàn hảo và chưa từng mắc lỗi. Ai cũng nên được trao vài cơ hội để sửa sai. Và họ không thể sửa sai nếu không nhận được sự tha thứ và khoan dung từ người khác. Tha thứ là cách bạn trao cho ai đó một chìa khóa mới để mở ra cánh cửa khác tốt đẹp và nhân văn hơn. 


Tha thứ để giúp đỡ người khác

https://motthoi6673pctdn.com

Tha thứ để được tha thứ

Như đã nói, không ai có thể vỗ ngực và tự nhận mình chưa bao giờ gây ra sai lầm nào đó. Chúng ta sẽ có lúc cần sự tha thứ của người khác. Sự khoan dung của bạn hôm nay có thể là tiền đề để bạn nhận được sự giúp đỡ trong tương lai. 


Tha thứ để được tha thứ

https://sieutonghop.com

Làm thế nào để tha thứ?

Hiểu rõ cảm xúc của mình lúc đó

Nếu bạn tức giận hay thất vọng, hãy trung thực với chính mình. Bạn có thể lừa dối tất cả mọi người nhưng không thể lừa dối chính mình. Hơn nữa, chúng ta là những người bình thường có hỷ, nộ, ái, ố. Việc trốn tránh cảm xúc chỉ khiến mọi thứ tệ hơn. 

Khi xác định được bản thân đang cảm thấy thế nào, bạn mới tìm được giải pháp để bình tâm lại. Đừng bao giờ cả giận mất khôn. Trong cơn giận, ta rất khó kiểm soát được lời nói, hành động của bản thân. Hãy hít thở thật sâu hoặc có thể đi ra ngoài. Nên nhớ lời nói ra không bao giờ có thể thu hồi lại được. 

Đặt câu hỏi tại sao

Khi điều gì xấu xảy ra, hãy đặt câu hỏi tại sao nó diễn ra? Nguyên nhân nằm ở bạn hay người khác? Nếu được làm lại thì bạn có thể thay đổi được hoàn cảnh này không? Khi biết được nguyên nhân thực sự, có thể bạn sẽ thay đổi được cách nhìn nhận và đánh giá của bản thân. 

Bạn tha thứ là vì bạn, không bởi chính ai khác 

Con người thường chỉ quan tâm đến cảm giác bản thân là chủ yếu. Chúng ta không nghĩ đến người khác nhiều như ta vẫn tưởng. Vậy nên, thay vì nghĩ rằng bạn phải tha thứ cho lỗi lầm của người khác, hãy thay đổi cách tư duy một chút: Sở dĩ bạn bỏ qua lần này là bởi bạn không muốn bản thân bận tâm và khó chịu. Sống thật tử tế và tốt đẹp là sự trả thù tàn nhẫn nhất với kẻ thù của bạn. 

Chúng ta chỉ có một lần để sống. Vì sao phải lãng phí thời gian vì những hành vi và lời nói của người khác? Thay vì tập trung vào cảm xúc tổn thương, bạn có thể xây dựng một cuộc đời phong phú và tươi đẹp hơn bằng cách tập trung phát triển bản thân và lan tỏa sự tử tế đến những người xung quanh. 

Những bí mật đằng sau sự tha thứ 

Tha thứ không đồng nghĩa với quên lãng

Việc một ai đó hoặc chính bạn bằng lòng tha thứ không đồng nghĩa với việc họ đã quên mình phải chịu đựng những gì. Tha thứ là cách cư xử, không phải bản năng sẵn có của mỗi người. Và sẽ chẳng ai tha thứ mãi cho cùng một lỗi lầm. 


Những bí mật đằng sau sự tha thứ

http://giaoxutanviet.com

Tha thứ không đồng nghĩa với yếu đuối

Chúng ta thường cho rằng bởi vì yếu đuối, dễ mềm lòng nên ai đó mới tha thứ cho lỗi lầm của người khác. Ngược lại, chỉ có những người mạnh mẽ và đầy bản lĩnh mới có thể chọn cho mình cách sống đầy bao dung. Nếu yếu đuối, làm sao họ có thể vượt lên sự thất vọng, kìm hãm cái tôi của mình để không làm tổn thương người khác? 

Tha thứ cần một quá trình 

Bạn không thể hoàn toàn quên đi cách một ai đó đối xử với mình (đặc biệt là nếu người đó tổn thương bạn). Quá trình chữa lành cần nhiều sự nỗ lực. Đôi khi, hãy để thời gian làm tốt nhiệm vụ của nó. 

Lời kết 

Khổng Tử từng nói rằng “Trước khi bạn bắt đầu hành trình trả thù, hãy đào hai ngôi mộ”. Căm giận ai đó chỉ đơn thuần là quá trình làm tổn thương lẫn nhau và tự làm đau chính mình. Hy vọng bài viết đã phần nào mang đến cho bạn tinh thần chữa lành (healing) đồng thời có thể vị tha hơn với người và với mình. 

Đăng nhận xét

0 Nhận xét