Subscribe Us

Cách từ chối có thiện cảm

Trong giao tiếp, sự khéo léo và tinh tế là điều cần thiết và có thể quyết định nhiều đến sự thành công của bạn. Sự tinh tế được thể hiện nhiều nhất không phải lúc bạn nói đồng ý mà là lúc bạn học cách nói từ chối mà vẫn thể hiện được tinh thần tôn trọng và lịch sự với người đưa ra đề nghị. Nếu bạn vẫn loay hoay không biết cách từ chối có thiện cảm, bài viết dưới đây dành cho bạn. 


Cách từ chối có thiện cảm

https://jobsgo.vn

Thế nào là từ chối có thiện cảm

Nhà diễn thuyết nổi tiếng người Mỹ Jim John từng nói “Learn how to say no. Don’t let your mouth overload your back”. (Tạm dịch: Hãy học cách từ chối. Đừng để miệng của bạn tạo gánh nặng lên tấm lưng của bạn). Vậy từ chối là gì? Hiểu đơn giản, từ chối là cách thể hiện sự không chấp nhận, không tuân theo hay thực hiện yêu cầu của một ai đó hoặc một hoàn cảnh nào đó. Từ chối có thể thể hiện qua lời nói, hành động (làm hoặc không làm gì đó). 

Trái với đồng thuận, chấp nhận, từ chối là hành vi đi trái lại yêu cầu, đề nghị của người khác. Do đó, từ chối dễ dẫn đến sự phật ý, căm ghét hoặc trả thù. Để tránh những hậu quả không đáng có, bạn cần học cách từ chối thiện cảm. Nói cách khác, đây là cách chối từ vẫn giữ tự tôn cho người đề nghị và đủ khéo léo để giữ mối quan hệ giữ bạn và người đề nghị được tốt đẹp như ban đầu. 


Thế nào là từ chối có thiện cảm

https://www.vietnamworks.com

Bạn có ngại ngần khi phải từ chối ai hoặc điều gì nào?

Vì giữ cái tôi cái nhân

Khi ai đó nhờ bạn thực hiện điều gì đó, nếu từ chối, bạn lo ngại người đó sẽ nghi ngờ về năng lực của bạn. Chúng ta thường không thích ai đó chê bai hay hạ thấp năng lực, danh tiếng hay hình ảnh mà mình dày công xây dựng. Do đó, dù không muốn hoặc không thể, bạn chọn cách cắn răng nhận việc. 

Vì sợ làm mất lòng người đề nghị 

Đây có lẽ là nguyên nhân lớn nhất mà người ta không thể nói lời từ chối. Giả sử trong tình huống bạn không muốn làm, không biết làm hoặc không thể có đủ thời gian để thực hiện đề nghị mà lãnh đạo giao cho dù biết nó không nằm trong phạm vi công việc của bạn, bạn có dám đứng lên nói lời từ chối không? Vì tình cảm, chúng ta rất khó từ chối người ở cấp trên mình hoặc người mà mình rất yêu mến. 

Vì sao bạn cần học cách từ chối?

Mỗi người đều có giới hạn

Dù bạn là người thường hay là vua chúa, quan chức, tỷ phú, bạn chỉ có 24h mỗi ngày. Bạn có những công việc và ước mơ của riêng mình. Bạn có những người cần chăm sóc và các mối quan hệ riêng cần nuôi dưỡng. Chạy theo yêu cầu của người khác bất chấp hoàn cảnh, điều kiện của bản thân là đang tự tạo gánh nặng và áp lực cho chính mình. Mải mê làm hài lòng người khác chỉ khiến bạn quanh quẩn trong những ngày dài mệt mỏi và bế tắc. Hãy nhớ rằng chỉ khi bạn thoải mái, vui vẻ và sống tốt cuộc đời của mình thì bạn mới có thể giúp đỡ người khác. Nghệ thuật từ chối thực chất là nghệ thuật sống hạnh phúc hơn mỗi ngày. 

Giá trị của bạn không nằm ở cái gật đầu 

Chúng ta đều hy vọng nhận được thiện cảm và sự công nhận từ người khác. Cách nhanh nhất để đạt được những điều này là giúp đỡ mọi người. Tuy nhiên, không giúp đỡ không có nghĩa bạn là người vô năng, ích kỷ. Giá trị của bạn nằm ở năng lực, sự cam kết của bạn chứ không phải một hai lần từ chối vì không thể thực hiện được yêu cầu của ai đó. Rõ ràng, nếu ai đó dám nói lời từ chối, họ là người rất rõ bản thân mình, mạnh dạn và rất quyết đoán. Những người này nếu nhận lời ai đó, họ sẽ làm rất tận tâm và nhiệt huyết. Điều này mới tạo nên giá trị thật sự của họ. 


Giá trị của bạn không nằm ở cái gật đầu

https://jobsgo.vn

Cách từ chối có thiện cảm

Nói rõ vì sao bạn không thể thực hiện điều này

Nhiều người cho rằng trình bày nguyên nhân khi từ chối ai đó là hành vi kể lể vô nghĩa. Điều này chỉ đúng nếu bạn bịa ra lý do để từ chối. 

Tuy nhiên, nếu bạn thực sự không thể nhận lời ai đó vì hoàn cảnh hoặc công việc của bản thân. Hãy chia sẻ một cách thẳng thắn và chân thành. Bạn có thể trình bày ngắn gọn, gửi kèm bằng chứng, tài liệu để chứng mình tính chính xác của lời nói mình (nếu cần thiết). Nên kèm theo lời xin lỗi và gợi ý người đề nghị hãy đặt bản thân vào hoàn cảnh của bạn để thấu hiểu. 


Nói rõ vì sao bạn không thể thực hiện điều này

https://www.tranvanvuong.com

Lịch sự và chân thành

Trong nhiều tình huống trong cuộc sống, lời nói không quan trọng bằng cách nói. Thay vì từ chối một cách gay gắt, bạn nên giữ cho mình cách trao đổi nhẹ nhàng nhưng thẳng thắn, lắng nghe thật cầu thị và bày tỏ sự chia sẻ, thông cảm với người đề xuất. Đôi khi, bạn không thể giúp đỡ họ nhưng sự chia sẻ, lắng nghe của bạn sẽ phần nào giúp họ cảm thấy tốt hơn. 

Đề xuất dời lịch hẹn hoặc thực hiện theo phương án khác (nếu có thể) 

Khi nhận lời từ chối, nhiều người sẽ nảy sinh suy nghĩ rằng bạn đang kiếm cớ để thoái thác họ dù thâm tâm bạn rất muốn giúp đỡ họ. Bạn có thể tùy theo tình hình và khả năng của bản thân để đề xuất một phương án thực hiện phù hợp nhất với đôi bên sau này (nếu có thể). 


Lịch sự và chân thành

https://www.tranvanvuong.com

Cái tốt nhất chưa hẳn là cái phù hợp nhất

Phần lớn nội dung phía trên bài viết chỉ đang đề cập đến từ chối những lời đề nghị. Tuy nhiên, không phải lời đề nghị nào cũng mang tính nhờ vả. Có thể có những lời đề nghị sẽ mang đến cơ hội, tiền tài, địa vị cho bạn, lúc này, bạn không từ chối người khác. Điều bạn từ chối là lòng tham, sự tiếc nuối và có thể là sự hối tiếc trong tương lai. Trong cuộc sống, chúng ta không khó bắt gặp những câu chuyện về các bà mẹ từ chối sự nghiệp tương lai để sinh con, những nghiên cứu sinh từ chối vị trí ở tập đoàn lớn với mức lương hấp dẫn để tập trung cho việc nghiên cứu của mình,... 

Bạn nên tự hỏi thực sự mình muốn gì? Điều gì bạn muốn ưu tiên nhất trong cuộc đời mình? Nếu chọn điều này thì bạn có sẵn lòng đánh đổi những thứ khác trong cuộc sống không? Chúng ta không thể đồng thời đạt được quá nhiều điều trong đời. Lòng tham là khởi nguồn cho mọi đau khổ. Hãy tâm niệm rằng thứ bạn chọn là thứ tốt nhất và phù hợp nhất với bạn. Nếu chọn, hãy kiên tâm theo đuổi và chấp nhận dám từ chối cơ hội. 


Cái tốt nhất chưa hẳn là cái phù hợp nhất

https://nghenghiep.timviecnhanh.com

Lời kết 

Từ chối đòi hỏi nhiều sự thấu hiểu, dũng cảm. Nghệ thuật từ chối có thiện cảm sẽ không khó nếu bạn luôn giữ cho mình tinh thần tỉnh táo, chân thành và sự chia sẻ trong cuộc sống này. 

Đăng nhận xét

0 Nhận xét