Subscribe Us

Cà phê thức uống thịnh hành của con người

Lang thang từ những quán vỉa hè đến nhà hàng sang trọng, bạn sẽ không khó để bắt gặp rất nhiều khách hàng đang thưởng thức cà phê. Dịch bệnh bùng phát càng khiến con người nhớ nhung hương vị của những quán cà phê nhiều hơn. Thức uống này đã đi cùng lịch sử nhân loại, tạo nên sự thịnh vượng cho rất nhiều doanh nghiệp, quốc gia. 


Cà phê (bắt nguồn từ từ tiếng Pháp: café [/kafe/]) là một loại thức uống được ủ từ hạt cà phê rang, lấy từ quả của cây cà phê. Các giống cây cà phê được bắt nguồn từ vùng nhiệt đới châu Phi và các vùng Madagascar, Comoros, Mauritius và Réunion trên các khu vực thuộc đường xích đạo. Giống cây này được xuất khẩu từ châu Phi tới các nước trên thế giới và hiện nay đã được trồng tại tổng cộng hơn 70 quốc gia, chủ yếu là các khu vực nằm gần đường xích đạo thuộc châu Mỹ, Đông Nam Á, Ấn Độ và châu Phi. Hai giống cà phê được trồng phổ biến nhất là cà phê chè, và cà phê vối. Sau khi chín, quả cà phê sẽ được hái, chế biến theo các cách thức khác nhau, rang, xay và pha với nước. Quy trình chế biến cũng có nhiều dạng như như chế biến khô, chế biến ướt, chế biến mật ong; hạt cà phê khô được rang trong nhiều điều kiện nhiệt độ khác nhau từ rang sáng tới rang tối màu; sau khi rang lại được đem đi xay theo các kích cỡ hạt mịn hay thô, và ủ với nước sôi hoặc nước lạnh, tùy thị hiếu, để tạo ra cà phê dưới dạng thức uống.


theo wikipedia.org

Nguồn gốc của cà phê

Mảnh đất sản sinh ra cà phê là vùng cao nguyên Kaffa (Ethiopia ngày nay). Theo truyền thuyết kể lại, cà phê không phải do con người khám phá mà là do loài dê tìm ra. Những người chăn dê ở Kaffa đã nhận thấy một số con trong đàn dê có hiện tượng chạy nhảy liên tục cho đến tận đêm khuya sau khi ăn cành cây có hoa trắng và quả màu đỏ. Hết sức ngạc nhiên, họ đem câu chuyện này kể lại với những thầy tu trong vùng. Ngay cả những người thợ này cũng thử loại quả này và cảm thấy công dụng tương tự. Những thầy tu sau khi nghe xong câu chuyện liền thử uống nước ép từ loại quả đó. Kết quả là họ có thể tỉnh táo cầu nguyện cho đến đêm. 

Đến thế kỷ 14, những tay buôn nô lệ đã đưa cà phê ở vùng Ethiopia sang Ả Rập. Cho đến thế kỷ 15, vật phẩm này có mặt ở Armenia, Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ), Persia và Bắc phi. Quán cà phê đầu tiên được mở ở Vương quốc Ba Tư. 

Đến thế kỷ 17, cà phê trở thành cây trồng phổ biến tại các vùng đất thuộc địa của Hà Lan - biến quốc gia này thành quốc gia thống trị ngành thương mại cà phê. Thế kỷ này cũng chứng kiến sự phát triển của cà phê tại châu Âu, nhất là ở Ý, Anh, Đức,... Cà phê thậm chí còn là vật phẩm mà các quốc gia thu được sau chiến tranh. 


Cà phê thức uống thịnh hành của con người

https://caphenguyenchat.net

Có những loại hạt cà phê nào

Nếu là dân nghiện cafe, bạn nên học cách phân biệt các loại hạt cà phê. Bởi tùy từng dòng cafe thì cách chế biến và vị chua, ngọt, đắng trong thành phẩm sẽ ở những mức khác nhau. Dưới đây là những loại hạt cà phê phổ biến nhất:

Hạt Robusta 

Dân ghiền cà phê Việt Nam và thế giới chắc chắn đã từng nghe đến loại hạt Robusta thường được trồng ở Tây Nguyên. Chỉ có địa hình đất đỏ bazan với độ cao 800-1000m so với mực nước biển nơi đây mới cho ra hạt cà phê Robusta đúng chuẩn. Theo thống kê, Robusta là loại cafe chiếm 90% sản lượng cà phê của Việt Nam mỗi năm. 

Hạt Robusta thường có 2 hạt nằm trong 1 trái. Sau quá trình rang xay, nước cà phê có màu nâu sánh, đắng gắt, ngọt dịu và chua thấp. Lượng cafein trong Robusta không quá cao, phù hợp với khẩu vị của người Việt Nam. 

Có những loại hạt cà phê nào

https://caphenguyenchat.net

Hạt Culi

Tuy cùng được sinh trưởng trên vùng đất đỏ Bazan nhưng cà phê Culi chỉ có 1 hạt trong mỗi trái cà phê. So với Robusta, màu của Culi sang khi chế biến sẽ đen sánh hơn, thơm nồng và vị đắng rất rõ. Nếu bạn là người thích trải nghiệm vị đắng, thích sự nồng nàn và sâu lắng thì thực sự nên thử cà phê Culi một lần trong đời. 

Hạt Cherry (Cà phê mít)

Tây Nguyên không hổ danh là vùng đất nồng say của hương vị cà phê. Nơi đây tiếp tục cung cấp cho thị trường loài cà phê mít (hay còn gọi là cà phê Cherry với 2 giống là Exelsa và Lberica). 

Cà phê Cherry thường được trồng ở những khu vực khô, khắc nghiệt nhất của cao nguyên. Do đó, tuy sinh trưởng tốt nhưng cà phê Cherry lại không cho hạt đều, chắc. Có lẽ cũng bởi sự kiên cường này, Cherry tuy không đến cảm giác đặc biệt khi thưởng thức nhưng lại rất hài hòa với vị chua vừa phải, thơm nhẹ mà phái nữ ưa thích. 

Hạt Arabica (Cà phê chè)

Tương tự như cà phê Robusta, một gương mặt quen thuộc trong làng cà phê Việt Nam chính là Arabica. Tuy nhiên, loại hạt này không thể sinh trưởng ở cao nguyên lộng gió. Arabica được trồng ở độ cao 1500m với khí hậu ôn hòa, mát mẻ ở Đà Lạt. Thành phố tình yêu này chính là khu vực cung cấp Arabica chất lượng nhất Việt Nam. 

Trên thế giới, Arabica gồm 4 loại là Bourbon, Typica, Moka và Catimor. Tuy nhiên, ở nước ta chỉ có thể trồng được hai loại là Moka và Catimor. 

Hạt Moka

Theo đánh giá, hạt Moka có vị thơm nhẹ hơn nhưng lại rất quyến rũ. Việt Nam thường khó trồng Moka nên sản lượng không nhiều, giá xuất khẩu của cà phê Moka thường gấp 2-3 so với giá xuất khẩu Robusta. 

Hạt Catimor 

Đặc trưng nhất của hạt Catimor là vị chua thanh nhưng lại lắng đọng ở cuống họng. Bạn có thể cảm nhận một chút đắng nhẹ và thơm rất lâu. Đây cũng là loại hạt yêu thích của Trung Nguyên - một trong những đế chế cà phê lớn nhất Việt Nam. 

Pha trộn giữa hạt Robusta và Arabica

Có hai lý do để người dùng thích mix giữa Robusta và Arabica. Đầu tiên, giá của Arabica so với Robusta tương đối đắt đỏ. Arabica yêu cầu khắt khe hơn về mặt thổ nhưỡng, khí hậu, thời gian thu hoạch dài hơn trong khi sản lượng lại thấp hơn. 

Ngoài ra, hương vị mà Robusta và Arabica đem lại cũng không giống nhau. Nếu như Robusta nồng đậm, đắng chát và nhiều caffein tương đối thích hợp với phái nam thì Arabica lại thơm lâu, chua nhẹ và cafein thấp khiến phái nữ ưa chuộng. Việc mix giữa hai vị này sẽ tạo nên sự cân bằng và phong phú hơn. Nhiều khách hàng sẽ thưởng thức tốt hơn cà phê đã dung hòa giữa vị chua, ngọt và đắng (nhất là với khẩu vị của người Việt Nam). 

Cà phê chồn (Weasel Coffee)

Cà phê chồn thực chất là hạt cà phê đã đi qua hệ tiêu hóa của chồn. Sau khi chồn ăn cà phê, dạ dày của nó sẽ tiêu hóa phần thịt của hạt. Riêng phần nhân cà phê sẽ phản ứng với các enzyme trong hệ tiêu hóa của chồn và lên men tự nhiên. Sau quá trình đào thải, người ta sẽ lọc nhân cà phê trong phân chồn, xử lý và tiến hành pha chế. 

Cà phê chồn thường không nặng về vị chua, thơm nhẹ và béo ngậy. Có nhiều người cho rằng cà phê chồn thường có mùi mốc nhưng lại phảng phất sự tổng hợp của những vị độc đáo như socola, caramel, hương trái cây,...


Cà phê chồn (Weasel Coffee)

https://icaphe.vn

Tổng hợp những cách pha chế cà phê

Nấu sôi cà phê

Nấu sôi cà phê có vẻ xa lạ với nhiều người nhưng đây lại là phương thức rất được ưa chuộng nếu bạn mong muốn được thưởng thức một tách cà phê nóng, vị mạnh và hậu vị tinh khiết kéo dài. Phương pháp pha chế này xuất phát từ Thổ Nhĩ Kỳ. 

Người Istanbul sẽ pha cà phê theo cách như sau: mix 1 muỗng đường, 2 muỗng cà phê và nửa tách nước vào cezve/ibriq (một loại bình cán dài) sau đó đun sôi trên lửa vừa. Khi cà phê bắt đầu sủi bọt, bạn khuấy nhẹ và rót một ít cà phê ra tách. Sau đó vẫn tiếp tục đun cà phê sôi một lần nữa, rót tất cả hỗn hợp trong bình ra tách. 


Tổng hợp những cách pha chế cà phê

https://vietblend.vn

Ngâm cà phê

Thổ Nhĩ Kỳ quả thực là thánh địa của những ai yêu cà phê. Nơi đây đã sản sinh ra rất nhiều cách thức pha chế và thưởng thức cà phê độc đáo. Từ đầu thế kỷ 20, người dân ở đây đã nghĩ ra cách chế biến cà phê bằng phương thức ngâm trong đáy bình thủy tinh đậy kín để giữ được hương vị đặc trưng nhất của cà phê. 


Ngâm cà phê

https://vietblend.vn

Pha phin

Phin cà phê thường được sản xuất từ những nguyên liệu như gốm, kim loại. Bột cà phê sẽ được cho vào bộ lọc, nước sôi được cho vào phin từ đó nước sẽ đi xuống nhỏ giọt nhờ trọng lực . 

Phương pháp pha cà phê này được phát minh từ thế kỷ 19. Từ hiện tượng ở Pháp, cà phê phin dần lan tỏa sang Ý và các quốc gia châu Âu khác sau Thế chiến thứ II. 

Giá cà phê

Sẽ rất khó để chắc chắn một mức giá cho cà phê đang được bán trên thị trường bởi những khác biệt về cả yếu tố khách quan và chủ quan. Về khách quan, thị trường luôn biến động bởi thuế, xuất nhập khẩu, chi phí nguyên liệu đầu vào. Về chủ quan, mỗi loại hạt cà phê sẽ được bán với giá khác nhau do chất lượng (bình dân - cao cấp), thời gian thu hoạch, thị hiếu của người tiêu dùng. 

Hiện tại ở thị trường Việt Nam, có 4 loại hạt được sử dụng nhiều là Arabica, Robusta, Moka và Culi. Trong biểu giá hạt cà phê chưa rang thì Robusta rẻ nhất (100.000 VNĐ - 350.000 VNĐ/kg). Hạt Culi không chênh lệch quá nhiều với giá từ 120.000 VNĐ đến 300.000 VNĐ/kg. Arabica sẽ đắt hơn với mức giá từ 200.000 VNĐ - 400.000 VNĐ/kg. Riêng Moka, như đã phân tích ở trên, sẽ đòi hỏi những khách hàng chịu chi hơn khi giá bán dao động từ 450.000 VNĐ - 800.000 VNĐ/kg. 

Cà phê chồn đang là mặt hàng hiếm trên thị trường. Hiện tại chồn tự nhiên không còn nhiều và quy trình chế biến rất khắt khe, do đó, giá bán chắc chắn không hề rẻ. Cà phê chồn tự nhiên trên thị trường có giá bán khoảng 9,5 triệu/250gram. Cà phê chồn nuôi ở Bình Phước có giá khoảng 4 triệu/kg. Riêng cà phê chồn nuôi ở Dak Lak sẽ có giá bán khoảng 12 triệu/kg. 

Các chuỗi cửa hàng cà phê lớn 

Ở Việt Nam, thị trường F&B và đặc biệt là cà phê rất phổ biến. Những quán cà phê được đánh giá là sang - xịn - mịn như Highlands Coffee, Lofita Coffe hay Cộng Cafe thường được giới trẻ lựa chọn như một nơi để gặp gỡ, hàn huyên. Riêng The Coffee House và Starbucks lại đi theo hướng xây dựng không gian cafe cho dân văn phòng hoặc freelancer. Chuỗi cửa hàng cafe của Trung Nguyên Legend thường phục vụ phân khúc khách hàng ở lứa tuổi trung niên. 


Các chuỗi cửa hàng cà phê lớn

https://toplist.vn

Lời kết 

Cà phê không chỉ đơn thuần là một loại đồ uống, nó còn là văn hóa, là câu chuyện. Sẽ không khó để bắt gặp những quán cà phê mở cửa dù là ở thành phố hay nông thôn. Không biệt lớn bé, già trẻ hay gái trai, cà phê là thứ gắn kết tình cảm giữa người và người trong đời sống người Việt.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét